Hà Nội, TPHCM quyết định giãn cách xã hội thêm 15 ngày; các doanh nghiệp “3 tại chỗ” nói rằng, phương án này hiệu quả, nhưng áp lực nếu phải áp dụng trong thời gian dài.
Phương án “3 tại chỗ” giúp nhiều doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch |
Ngày 6/8, kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số doanh nghiệp (DN) đang duy trì hoạt động trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, nói rằng, mô hình “3 tại chỗ” là biện pháp mạnh “nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn”.
“Khó duy trì hơn 1 tháng”
Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Ngọc An, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), nói rằng, Vissan thực hiện mô hình “3 tại chỗ” từ ngày 24/6. Đến cuối tháng 7, Vissan phát hiện hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2.
“Ngày 29/7, công ty chính thức dừng thực hiện mô hình này, ngưng sản xuất nhiều bộ phận. Chúng tôi đã đứt gãy chuỗi lao động trong các khâu sản xuất”, ông An thừa nhận. Ông đề xuất công ty được sản xuất trở lại bình thường, thực hiện test nhanh cho người lao động 1 lần/tuần; nếu phát hiện ca nhiễm thì cách ly F0, phân loại F1 để tiếp tục sản xuất.
Công nhân sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Hoàng Anh |
Chủ tịch HĐQT Vissan Nguyễn Phúc Khoa cho rằng, mô hình “3 tại chỗ” khó duy trì hơn một tháng bởi ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tâm lý người lao động. Điều kiện cơ sở vật chất của nhiều đơn vị hiện nay không đảm bảo để thực hiện mô hình này trong thời gian dài.
Theo ông, để cải thiện tâm lý người lao động, khuyến khích công nhân trở lại làm việc sau khi phát hiện F0 tại đơn vị, thành phố cần thực hiện tiêm vắc-xin tại chỗ cho công nhân tại công ty. Vissan còn khoảng 800 lao động chưa được tiêm chủng.
“Ngoài ra, việc TPHCM hạn chế ra đường từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng gây rất nhiều khó khăn cho DN phục vụ hàng thực phẩm tươi sống. Giết mổ heo (lợn) thường thực hiện vào ban đêm, đến 2-3 giờ sáng vận chuyển đến các điểm bán. Thành phố cần tạo điều kiện cho DN chủ động đưa hàng ra thị trường”, ông Khoa nói.
Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi nói rằng, DN chỉ nghĩ sản xuất “3 tại chỗ” trong một tháng; nếu kéo dài thì không làm nổi. Bà kiến nghị thành phố không tiếp tục mô hình sản xuất này và cho các DN tự chủ hoạt động trên cơ sở đảm bảo Bộ quy tắc an toàn phòng, chống dịch.
“Chúng tôi rất lo ngại đứt gãy sản xuất chuỗi mì ăn liền vì thiếu nguyên vật liệu phụ. Mì ăn liền phải có gia vị như hành, ớt, tiêu, tỏi… Nhiều đơn vị gia công nguyên liệu hành lá ở Ninh Bình, hành tím ở Hậu Giang, củ quả trong gia vị ở Tiền Giang... Chuỗi lưu thông có vấn đề thì sẽ thiếu các mặt hàng gia vị để làm nguyên liệu phụ”, bà Chi nói.
Chia sẻ với các DN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại TPHCM không tính bằng tuần mà bằng tháng. Do đó, các giải pháp phải được tính toán dài hạn, không thực hiện rập khuôn mô hình chống dịch ở các địa phương khác, mà cần linh hoạt căn cứ theo thực tiễn tại TPHCM.
“Không bao giờ mặc áo chung cho cả thành phố, cụ thể là không mặc đồng phục cho các ngành sản xuất”, ông nói.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nhận định: “Giải pháp phòng chống dịch như “3 tại chỗ” đang được áp dụng chung có nhiều vấn đề phải bàn”.
Chi phí tăng
Đại diện một công ty sản xuất ở huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, DN đang thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 200 công nhân làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà máy. Phương án đã được phê duyệt và thực hiện khá trơn tru, nhưng cũng phát sinh một số vấn đề.
Công nhân phần lớn đã lập gia đình, không ít hộ lại ở gần nhà máy, nên tâm lý người lao động bị ảnh hưởng khi nhiều ngày trôi qua mà bố mẹ không được gặp con, vợ chồng không được gặp nhau.
Trong khi đó, đối với DN, chi phí phát sinh khi thực hiện “3 tại chỗ” là rất lớn. Đầu tiên phải kể đến chi phí thuê mặt bằng mở rộng để phục vụ ăn ở tại chỗ cho công nhân; tiền điện, nước cũng tăng theo.
“Trước đây nhà bếp phục vụ một bữa cho công nhân, nay tăng lên 4 bữa/ngày, chưa kể chi phí xét nghiệm COVID-19. Trung bình DN cõng thêm khoảng 40 triệu đồng chi phí phát sinh mỗi ngày”, đại diện công ty sản xuất ở huyện Hoài Đức nói.
Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương ở Hà Nội cũng cho rằng, không thể áp dụng “3 tại chỗ” lâu dài; đây chỉ là phương án duy trì sản xuất đáp ứng các đơn hàng đã nhận. Chi phí điện, nước, xét nghiệm COVID-19... gây áp lực lớn lên doanh thu. Công ty hiện có khoảng 50 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”.
Làng, xã chặn công nhân
Đại diện Công ty Cổ phần Incheon Intech ở Hà Nội cho biết, dù đã đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” nhưng gần đây phải tạm dừng hoạt động do thiếu công nhân. Xưởng sản xuất của công ty này nằm ở huyện Thanh Oai.
Trước thời gian giãn cách, DN đã làm thủ tục và được chấp thuận cho phép tiếp tục sản xuất. Dù công nhân có giấy tờ đi làm nhưng một số xã của huyện vẫn không cho phép họ ra khỏi làng, xã. Điều này khiến DN không thể tiến hành sản xuất. “Tưởng có thể sản xuất, chúng tôi đã nhận một số đơn hàng, nhưng tình hình này thì chắc sẽ phải hủy”, đại diện DN cho hay.
Một công ty sản xuất tại Hà Nội cho rằng, các địa phương đang tập trung chống dịch, nhưng không thống nhất về cách thức, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
“Công nhân của chúng tôi sinh sống tại huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức. Có nơi cho phép công nhân đi làm bằng giấy của công ty, nhưng có nơi như huyện Phúc Thọ lại siết chặt, không cho bất cứ người nào ra khỏi làng, xã”, vị đại diện công ty kể trên nói.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổng hợp ý kiến về việc áp dụng “3 tại chỗ” để báo cáo UBND thành phố, chờ ý kiến chỉ đạo. “Quan điểm của chúng tôi là chỉ áp dụng “3 tại chỗ” với cơ sở lao động dưới 500 người có phương án được cơ quan chức năng phê duyệt”, đại diện Ban Quản lý cho hay.
Về việc công nhân bị “chặn”, không thể đến cơ sở sản xuất, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nói rằng, Sở chưa nhận được phản ánh của DN nào về tình trạng này. Đại diện Sở Công Thương khẳng định: “Sẽ cho kiểm tra trường hợp phản ánh, các sở, ngành đã quán triệt về việc thực hiện “mục tiêu kép”, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Nếu có thì đây là việc chống dịch quá cứng nhắc và không phù hợp”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TPHCM cần phân loại các nhà máy theo 3 nhóm: buộc phải duy trì sản xuất, cần duy trì sản xuất và khuyến khích duy trì sản xuất. Đối với các hoạt động sau 18 giờ, TPHCM cần nghiên cứu phương án cho các đội giao hàng chuyên nghiệp (shipper) có thể duy trì ở mật độ nhất định. |
https://tienphong.vn/phuong-an-3-tai-cho-phat-lo-bat-cap-post1363363.tpo
Theo TRẦN HOÀNG-HUY THỊNH (TPO)