Phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch trong 2 năm qua để có định hướng phục hồi trong trạng thái bình thường mới là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của ngành du lịch tỉnh. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để hiểu rõ hơn kế hoạch phục hồi và phát triển ngành kinh tế xanh.

* P.V: Thưa ông! Chúng ta vừa trải qua một năm khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng vẫn có điểm sáng trong bức tranh du lịch. Vậy, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Năm 2021, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của đại dịch. Điểm sáng duy nhất là tỉnh ta tổ chức thành công Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62 vào tháng 3-2021. Sự thành công trong công tác tổ chức đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lai với hàng chục ngàn vận động viên và du khách đến cổ vũ giải.

 Ông Nguyễn Đức Hoàng. Ảnh: Minh Châu
Ông Nguyễn Đức Hoàng. Ảnh: Minh Châu


Nhưng cũng từ sau sự kiện lớn này cho đến hết năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tất cả các hoạt động du lịch, dịch vụ đi kèm gần như đóng băng. Phần lớn nguồn nhân lực du lịch phải nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc tạm thời. Khách du lịch hủy tour, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tạm ngưng tổ chức đã tác động mạnh đến hoạt động du lịch của tỉnh. Các chỉ tiêu trong năm 2021 đều giảm gần 60% so với kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch chỉ đạt 200 tỷ đồng, tổng lượt khách chỉ đạt 330 ngàn lượt.

* P.V: Đại dịch có những tác động tiêu cực nhưng mặt khác cũng tạo ra cơ hội, hướng đi mới, vậy đó là gì, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Trong 2 năm qua, du lịch Gia Lai đã phát hiện thêm một số địa điểm mới, đó là quần thể đá cổ HChan (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) và suối đá cổ triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Bên cạnh đó, năm 2021, tỉnh ta có thêm những tin vui khi di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia, di tích Tây Sơn Thượng đạo được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt, cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO chính thức ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các di sản văn hóa, thiên nhiên được công nhận sẽ góp phần làm phong phú thêm các điểm trải nghiệm và chia sẻ của du lịch Gia Lai.

“Khoảng lặng” trong 2 năm dịch bệnh cũng đã thanh lọc nguồn nhân lực du lịch. Trong thời gian phải tạm ngừng kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đã kịp nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu du lịch an toàn. Các mô hình du lịch nông nghiệp có thời gian hoàn thiện với hệ sinh thái cây xanh đa dạng để đón đầu xu hướng du lịch mới. Thời gian này, nhiều hội nghị liên kết du lịch vùng cũng đã được tổ chức để xây dựng các tour, tuyến mới trên tinh thần thích ứng để thúc đẩy ngành du lịch.

* P.V: Ông có thể cho biết kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới?

- Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Năm 2022, du lịch Gia Lai phấn đấu đón 850 ngàn lượt khách, tổng thu dự kiến đạt 500 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2021). Để đạt mục tiêu này, yếu tố then chốt là cần xây dựng kế hoạch thích ứng an toàn với dịch Covid-19 để du khách hoàn toàn yên tâm khi đến Gia Lai. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và cả khách du lịch đảm bảo an toàn khi đi du lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và quy định của địa phương.

Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích 413.511,67 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ, thị xã An Khê. Ảnh: Tư liệu
Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích 413.511,67 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ, thị xã An Khê. Ảnh: Tư liệu

Song song với đó, khai thác hiệu quả các điểm du lịch mới, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với xu hướng du lịch hậu đại dịch để thu hút du khách. Dựa vào xu hướng du lịch đã được các chuyên gia dự báo, ngành du lịch Gia Lai chú trọng khai thác các điểm du lịch xanh. Trong đó, Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng sẽ được đưa vào bản đồ du lịch như một điểm nhấn trong năm 2022.

Ngoài những điểm du lịch đang có sức hút du khách, ngành du lịch chú trọng khai thác giá trị di tích Tây Sơn Thượng đạo, di chỉ khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá. Ngoài ra, giới trẻ Gia Lai với sự nhanh nhạy, nắm bắt tốt xu hướng đã và đang tạo ra những điểm du lịch check-in mới mẻ, hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm các địa điểm vui chơi, giải trí cho du khách khi đến Gia Lai.

Liên kết phát triển du lịch với các địa phương cũng là một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi du lịch trong năm 2022. Sắp tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một đoàn khảo sát du lịch tại Gia Lai (dự kiến trong tháng 1-2022) với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp du lịch hàng đầu. Đây là cơ hội rất tốt kết nối thị trường lớn nhất cả nước để phục hồi ngành du lịch địa phương. Ngoài ra, chương trình liên kết du lịch 4 tỉnh Gia Lai-Bình Định-Phú Yên-Đak Lak theo hướng đẩy mạnh sản phẩm “lên rừng xuống biển” và với Hà Nội sẽ tạo đà cho du lịch Gia Lai phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways đã ký hợp tác chiến lược với tỉnh Gia Lai trong việc khai thác các đường bay kết nối với các tỉnh thành, tạo điều kiện rất thuận lợi về giao thông trong việc thu hút du khách.

Đặc biệt, trong năm 2022 sẽ diễn ra một số sự kiện nổi bật như: chương trình “Gặp gỡ Gia Lai” do tỉnh phối hợp với Trung tâm giao lưu Việt-Nhật tổ chức tháng 3-2022; lễ đón bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng (tháng 3-2022); Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (dự kiến tháng 4 hoặc 5-2022); Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Gia Lai (tháng 7-2022). Ngoài ra, một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô… cũng sẽ diễn ra.

 Suối đá triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Suối đá triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch” sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022 cũng mang nhiều ý nghĩa. Việc số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch sẽ giúp đưa thông tin về nhà hàng, khách sạn, địa điểm vui chơi, mua quà lưu niệm tích hợp trên app, giúp du khách tìm kiếm dễ dàng trên điện thoại thông minh.

* P.V: Niềm tin và kỳ vọng của ông về sự hồi sinh của du lịch trong năm 2022?


- Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Hiện nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chú ý và có những dự án đầu tư lớn vào Gia Lai như Tập đoàn FLC, Alphanam Group… Sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế lớn sẽ kéo theo các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác đến hợp tác làm ăn, gắn bó lâu dài, khai thác rất tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Mặt khác, khi du lịch Gia Lai có những điểm nổi bật như: Dự án sân golf Đak Đoa, Dự án Biển Hồ-Chư Đang Ya sẽ càng thu hút du khách đến với địa phương.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 MINH CHÂU (thực hiện) 
 

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.