Phụ nữ Gia Lai "nói không với rác thải nhựa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều mô hình “nói không với rác thải nhựa”. Qua thực tế hoạt động, các mô hình này đã giúp chị em phụ nữ dần hình thành thói quen tốt trong sinh hoạt để không ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ia Grai vừa phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần”. Mô hình này được thí điểm đầu tiên tại xã Ia Pếch, thu hút 73 hội viên, phụ nữ tham gia. Trong tháng 9 tới, Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai mô hình này tại thị trấn Ia Kha và xã Ia Bă. Các thành viên tham gia mô hình được tặng giỏ và hộp nhựa có thể sử dụng đi chợ nhiều lần.
 Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tặng giỏ nhựa đi chợ cho hội viên phụ nữ để dần thay đổi thói quen dùng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Ảnh: N.B
Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tặng giỏ nhựa đi chợ cho hội viên phụ nữ để dần thay đổi thói quen dùng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Ảnh: N.B
Bà Dương Thị Mộng Loan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Grai-cho biết: “Chúng tôi khuyến khích chị em xách giỏ đi chợ thay vì đi tay không và dần hình thành nó như thói quen hàng ngày. Trong đó, hộp nhựa dùng để đựng thức ăn tươi sống như thịt, cá, tôm… sau đó có thể rửa sạch để tiếp tục sử dụng. Đây là cách thiết thực, hiệu quả để giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông. Bởi lẽ, hầu hết phụ nữ là người thường xuyên vào bếp nên có thể chủ động giảm thiểu túi ni lông bắt đầu từ chính những lần đi chợ, nấu ăn hàng ngày”.
Bà Loan cho rằng không thể một lúc mà khiến người khác thay đổi ngay hành vi, thói quen. Nhưng bà tin rằng, hình thành thói quen nói không với đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông từ việc đi chợ hàng ngày của người phụ nữ sẽ góp phần lan tỏa đến nhiều thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, Hội LHPN huyện đã quán triệt đến 13 Hội cơ sở không dùng nước đóng chai nhựa trong các cuộc hội họp, thay vào đó là dùng ly, bình sứ hoặc thủy tinh để tái sử dụng nhiều lần. Đến nay, việc nói không với rác thải nhựa đã trở thành thói quen văn hóa của các cơ sở Hội trong huyện.
Tại xã Phú An (huyện Đak Pơ), mô hình “Nói không với rác thải nhựa” cũng mới được thành lập với sự tham gia của hơn 40 hội viên, phụ nữ. Các thành viên tham gia mô hình đều được Hội LHPN xã tặng giỏ nhựa đi chợ. Đồng thời, Hội cũng kêu gọi hội viên, phụ nữ trong xã tạo thói quen mang giỏ xách đi chợ. Bà Bùi Thị Minh Dương-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: Mỗi ngày đi chợ, chúng ta mang về bếp ăn nhà mình bao nhiêu túi ni lông thì cũng bấy nhiêu chiếc túi sẽ bị thải ra môi trường, chưa kể vô số vật dụng bằng nhựa dùng một lần vẫn được sử dụng hàng ngày vì sự tiện lợi tức thì. Nếu sử dụng giỏ xách, mỗi ngày phụ nữ đã góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa cho môi trường sống.
“Cuộc chiến” với rác thải nhựa cũng được các cấp Hội Phụ nữ phát động với nhiều hình thức khác nhau. Hội LHPN thị trấn Kbang (huyện Kbang) có mô hình “Biến rác thành tiền” đã duy trì suốt nhiều năm qua. Hội LHPN xã Thành An (thị xã An Khê) duy trì quầy hàng rau an toàn gắn với khẩu hiệu không dùng túi ni lông khi đi chợ đã tác động tích cực đến thói quen của các bà nội trợ. Cuối tháng 7 vừa qua, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến toàn thể hội viên, đoàn viên trong đơn vị. Thượng úy Trương Thị Hương-Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho hay: “Phong trào “Nói không với rác thải nhựa” có sự tiến triển rõ rệt khi gần đây cơ quan chúng tôi không còn những vật dụng nhựa sử dụng một lần như chai nước, dĩa đựng trái cây, ly và ống hút nhựa xuất hiện trên bàn họp. Còn đối với cá nhân, việc không sử dụng túi ni lông, đồ nhựa trên cơ quan đã được quán triệt hạn chế đến mức thấp nhất. Điều đáng mừng là mọi người đã có ý thức, lưu tâm hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường chứ không vô tư như trước. Tôi tin là phong trào này sẽ có sức lan tỏa vì những tác động tích cực đối với môi trường”.
Phụ nữ chiếm một nửa thế giới. Vì vậy, mục tiêu đầu tiên của các cấp Hội Phụ nữ khi “tuyên chiến” với rác thải nhựa chính là nâng cao ý thức cho một nửa dân số. Thượng úy Trương Thị Hương cho rằng: “Nếu người phụ nữ hình thành thói quen không sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần sẽ ảnh hưởng tích cực trước tiên đến những đứa con, sau đó là đến người chồng. Đó là trong gia đình, còn ở công sở cũng vậy, phụ nữ vẫn luôn đảm nhận công việc “hậu cần” nên hoàn toàn có thể thay đổi thói quen lâu ngày, quyết tâm nói không với rác thải nhựa, lâu dần sẽ lan ra các cơ quan, công sở và toàn xã hội”.
 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.