HLV Park Hang-seo liệu sẽ tung ra đội hình mạnh nhất nhằm chiếm lấy ngôi đầu bảng D trước người Nhật trong bối cảnh có thể sẽ không phải gặp ứng viên hàng đầu Hàn Quốc ở vòng sau?
Trước khi ASIAD khởi tranh, dư luận đã dự đoán thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đứng nhì bảng đấu của mình, bởi kết quả như vậy rất có thể sẽ khiến họ gặp đội nhất bảng E là Olympic Hàn Quốc.
|
Thất bại của Olympic Hàn Quốc trước Olympic Malaysia khiến những tính toán của các đội bóng ở bảng D thay đổi. Ảnh: Yonhap News. |
Nhất hay nhì?
Tuy vậy, thất bại bất ngờ của Hàn Quốc trước Olympic Malaysia khiến mọi thứ thay đổi đến khó tin. Giờ đây, Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản nếu kết thúc bảng D với vị trí thứ 2 thì sẽ chắc chắn gặp Olympic Malaysia, qua đó tránh được Hàn Quốc.
Tuy nhiên, vị trí nhất bảng thì không đảm bảo điều này. Đội nhất bảng D sẽ gặp một trong 3 đội: đứng thứ 3 bảng B, thứ 3 bảng F và thứ 3 bảng E. Nghĩa là nếu Hàn Quốc kết thúc bảng E với vị trí thứ 3, rất có khả năng đội đứng đầu bảng D của chúng ta sẽ là đối thủ của họ.
Trên thực tế, khả năng này khó xảy ra. Việc Hàn Quốc hụt vị trí đầu bảng đã là điều khó tin chứ chưa nói đến việc họ mất vị trí thứ 2. Đối thủ cuối cùng của Olympic Hàn Quốc là Olympic Kyrgyzstan - đội bóng được đánh giá yếu hơn nhiều.
Tuy vậy, trong bóng đá điều khó tin nhất cũng có thể diễn ra. Bằng chứng chính là chiến thắng 2-1 của Olympic Malaysia trước chính Olympic Hàn Quốc.
|
HLV Park Hang-seo đang nhắm đến vị trí đầu bảng D? |
Về phần Olympic Việt Nam, việc tránh được đội bóng được coi là mạnh nhất giải dù theo cách khá hy hữu cũng khiến áp lực nhất bảng bớt đè nặng đôi vai của HLV Park Hang-seo. Ai cũng biết việc phải đối đầu với Son Heung-min và các đồng đội khó hơn nhiều so với Malaysia (nhất bảng D) hay một đội bóng đứng thứ 3 từ một bảng nào khác.
Do đó, câu hỏi cho nhà cầm quân người Hàn Quốc là liệu ông có cần tung ra đội hình mạnh nhất để chiến đấu cho vị trí đầu bảng với người Nhật hay không trong lượt trận cuối. Và thay vì tính toán cho trận đấu vốn chỉ có ý nghĩa thứ hạng tại bảng đấu (Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản), liệu ông Park có tính xa hơn khi để dành lực lượng cho vòng 16 đội?
Và giả sử Olympic Việt Nam chiến đấu hết mình trước người Nhật, có ngôi nhất bảng, rồi vô tình gặp Olympic Hàn Quốc ở vòng sau thì đây có phải là bất lợi với chính chúng ta hay không thay vì trước mắt là Olympic Malaysia?
Cơ hội cho những kép phụ?
Không ai có thể biết HLV Park Hang-seo đang toan tính những gì, nhưng ông vẫn nói rằng Olympic Việt Nam sẽ chiến đấu hết mình cho vị trí đầu bảng. Trả lời báo chí, nhà cầm quân người Hàn Quốc cho hay: “Chúng tôi không việc gì phải né Olympic Hàn Quốc. Với Olympic Việt Nam, mỗi trận đấu đều là chung kết, gặp đội nào chúng tôi cũng thi đấu hết mình".
Hết mình là vậy, nhưng chưa có điều gì đảm bảo HLV Park Hang-seo sẽ để những cầu thủ trụ cột đá chính những trận trước hết mình với Olympic Nhật Bản. Ai cũng biết ASIAD là giải đấu khắc nghiệt và thời gian qua các cầu thủ đã phải thi đấu với mật độ 2 - 3 ngày mỗi trận. Do đó, việc giữ sức cho các trụ cột có thể là điều HLV Park đang tính toán.
|
Đức Huy, Xuân Mạnh, Văn Đức đã chơi rất tốt trước Olympic Nepal. |
Thực tế, ông Park cũng phần nào thể hiện ý đồ bảo vệ các trụ cột. Trận gặp Nepal, những cầu thủ đá chính trận trước như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Quyết, Văn Hậu đều dự bị, và có ý kiến cho rằng ông giữ chân họ cho trận quyết đấu ngôi đầu gặp Nhật Bản. Nay trận đấu với Olympic Nhật Bản không còn quan trọng như trước, liệu HLV Park có trao cơ hội cho những kép phụ?
Họ gồm những ai? Văn Toàn, Đức Chinh đều là những tiền đạo đóng góp vào chiến tích Thường Châu nhưng vẫn chưa được trao cơ hội. Đức Chinh còn được vào sân từ băng ghế dự bị, Văn Toàn thì chưa thi đấu một phút nào. Trần Minh Vương hay Trịnh Văn Lợi cũng đều chưa có cơ hội thể hiện mình.
Những cái tên đã được thử lửa trong trận gặp Olympic Nepal như Đức Huy, Xuân Mạnh có thể cũng sẽ tiếp tục được trao cơ hội trước khi Xuân Trường, Văn Hậu trở lại. Văn Đức có thể sẽ được HLV Park trao niềm tin trước khi đội trưởng Văn Quyết và phần nào là Công Phượng trở lại.
Thực tế với những cái tên kể trên, Olympic Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể chơi một trận đấu "ra trò" với Olympic Nhật Bản. Khoảng cách giữa đội hình chính và cầu thủ dự bị của Olympic Việt Nam là không quá xa, và những cái tên chưa được trao cơ hội hoàn toàn có thể chơi tốt. Màn trình diễn tích cực của Đức Huy, Xuân Mạnh và đặc biệt là Văn Đức trước Olympic Nepal là bằng chứng.
Không thể nói trước HLV Park Hang-seo sẽ tung ra sân đội hình nào, nhưng có một điều có thể chắc chắn. Đó là dù ai được ra sân trước Olympic Nhật Bản, thì những cầu thủ ấy cũng sẽ chiến đấu hết mình, đúng như những gì ông thầy người Hàn đã nói. Còn việc nhất hay nhì bảng đấu, và sẽ gặp ai ở vòng 16 đội đều sẽ được sáng tỏ sau khi lượt trận vòng bảng kết thúc.
Chờ Olympic Việt Nam đấu súng Olympic Nhật Bản?
Trong trường hợp Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản hòa nhau sau 90 phút, hai đội sẽ bước vào loạt luân lưu để tìm ra đội đứng nhất bảng. Đây là điều khá thú vị với người hâm mộ Việt Nam khi được chứng kiến màn đấu súng ngay từ vòng bảng, và nó cũng tái hiện phần nào những ký ức ở Thường Châu năm ngoái.
Tuy vậy, HLV Park có lẽ đang phân vân trong việc lựa chọn Công Phượng cho loạt đấu súng, nhất là ở trận gặp Olympic Pakistan, anh đã sút hỏng tới 2 quả penalty. Liệu loạt luân lưu sẽ diễn ra và liệu ông Park có để cho Công Phượng sút tiếp, câu trả lời sẽ có trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản diễn ra lúc 16 giờ ngày 19/8 (Zing.vn tường thuật trực tiếp).
|
Bảng D sau lượt trận thứ 2. Đồ họa: Minh Phúc. |
Phúc Long (zing)