Hàng chục nhà máy, xí nghiệp, công xưởng sản xuất, chế biến gỗ, cà phê tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai “vô tư” thải khói, bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường của người dân.
|
Hàng chục công xưởng sản xuất, chế biến gỗ, cà phê tại Pleiku, tỉnh Gia Lai “vô tư” thải khói, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường của người dân. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Dù người dân đã kiến nghị nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố, song tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện.
"Cao nguyên xanh vì sức khỏe" ở đâu?
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố Pleiku đã xác định tập trung thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, xây dựng Pleiku phát triển toàn diện, bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố "Cao nguyên xanh vì sức khỏe".
Tuy nhiên, đã nửa nhiệm kỳ trôi qua, hàng loạt "điểm nóng" về môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, nhiều năm qua, người dân thuộc Tổ dân phố 2, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku luôn sống trong tình trạng bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng bởi "tổ hợp" các loại chất thải nguy hại, khói bụi, mùi dầu máy, hóa chất tẩm sấy gỗ phát ra từ các nhà máy sản xuất, chế biến của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Hoa Trang, xưởng chế biến gỗ cao su Minh Dương...
Người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiếp diễn, người dân không biết kêu ai, đành phải tự tìm mọi phương án ngăn bụi, tiếng ồn.
Tương tự, người dân ở phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku cũng phải sống chung với tiếng ổn từ xưởng xẻ gỗ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn 30-4 Gia Lai (địa chỉ tại 609 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku).
Theo người dân nơi đây, hệ thống sấy, hấp của xưởng đã được di dời ra khu công nghiệp, tuy nhiên phần cưa xẻ thành phẩm vẫn hoạt động khiến người dân chưa an tâm. Đặc biệt, xưởng sản xuất này nằm gần Trường Tiểu học Anh Hùng Núp, tiếng ồn phát ra từ hoạt động cưa xẻ đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của thầy trò nhà trường.
Cùng chung “cảnh ngộ”, gia đình anh Đào Viết Mạnh, trú tại 580/1/12 đường Trường Chinh, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku sống cạnh xưởng chế biến gỗ cao su Minh Dương nhiều năm phải sống trong khổ sở bởi mùi hôi, khói bụi. Cuộc sống thường ngày, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là trẻ nhỏ.
"Quá trình sấy gỗ thải ra khói rất hôi, họ dùng hóa chất chống mối mọt nên khi đốt lò 4 ống khói thải ra rất khó chịu. Hai vợ chồng tôi thường xuyên bị đau đầu, hai đứa con có dấu hiệu bị bệnh hô hấp", anh Mạnh cho biết.
Không chỉ chịu ảnh hưởng của các cơ sở chế biến gỗ, hàng chục hộ dân sống cạnh các nhà máy sản xuất, chế biến cà phê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Hoa Trang (596 Trường Chinh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng rơi vào cảnh tương tự. Nhiều gia đình đã phải bán nhà chuyển đi nơi khác.
Do doanh nghiệp này nằm giữa khu dân cư đông đúc nên cứ đến niên vụ chính thu hoạch cà phê, tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Người lớn, trẻ nhỏ không thể ra đường, hầu hết phải sống, sinh hoạt trong nhà với cửa kính đóng kín để tránh khói, bụi phát ra từ hoạt động xay xát.
Hộ kinh doanh nhà nghỉ của chị Trần Thanh Huyền (địa chỉ tại 580/1/20 đường Trường Chinh, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku) nằm cạnh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Hoa Trang đang tìm đủ mọi phương án để thích nghi và duy trì hoạt động kinh doanh.
Theo chị Huyền, cứ vào thời điểm thu hoạch cà phê, hầu như khu kinh doanh nhà nghỉ nơi đây phải "cửa đóng, then cài" vì không thể hoạt động do bụi, tiếng ồn.
"Toàn bộ khu này có hơn 20 hộ sinh sống. Các hộ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gia đình tôi kinh doanh nhà nghỉ nên phải tìm đủ mọi phương án như dùng ni lông chắn hết các cánh cửa, sử dụng cây xanh để ngăn bụi. Tuy nhiên, vì nằm đúng hướng gió nên nhiều phương án gia đình sử dụng không mấy hiệu quả"- chị Huyền bức xúc cho biết.
Tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà máy diễn ra trong nhiều năm qua, cộng thêm chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm phương án khắc phục khiến người dân nơi đây “ăn không ngon, ngủ không yên”, sức khỏe giảm sút.
|
Cột khói của Xưởng chế biến gỗ cao su Minh Dương, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Chính quyền không lời giải đáp
Trong khi chính quyền Pleiku đang nỗ lực xây dựng thành phố trở thành "Cao nguyên xanh vì sức khỏe", những ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành đang khiến chủ trương này chững lại. Người dân sống trong bức xúc, còn chính quyền thành phố vẫn chưa tìm được phương án giải quyết.
Nhiều gia đình đã không chịu đựng được tình trạng ô nhiễm trên nên phải bán nhà chuyển đi nơi khác. Còn những hộ dân ở lại thì đang mong chờ chính quyền tìm ra phương án khắc phục để người dân sớm thoát cảnh sống trong bất an, lo lắng.
"Giờ người dân ở đây tha thiết mong chính quyền địa phương sớm di dời các đơn vị sản xuất này ra nơi khác. Hoặc bản thân các đơn vị này phải có phương án sản xuất đảm bảo sức khỏe cho người dân xung quanh"- chị Huyền mong muốn.
Trước những phản ánh của người dân, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã liên hệ đặt lịch làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) để có thông tin đa chiều. Nhưng, đã hơn hai tuần trôi qua, Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku vẫn chưa có hồi đáp dù phóng viên đã nhiều lần liên lạc lại.
Theo Quang Thái/TTXVN