Núi Chứa Chan - viên ngọc xanh ẩn mình giữa Đông Nam Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Núi Chứa Chan, đệ nhị thiên sơn ở Đông Nam Bộ, với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc.

Với độ cao 837 mét, cao thứ hai ở vùng Nam Bộ, chỉ sau núi Bà Đen, núi Chứa Chan không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc cùng những lễ hội đậm chất truyền thống. Những tiềm năng ấy rất cần được đánh thức.

nui-chua-chan-dd.jpg
Núi Chứa Chan, hay còn gọi là núi Gia Lào, tọa lạc tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN AN

Núi Chứa Chan, hay còn gọi là núi Gia Lào, tọa lạc tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ngọn núi này được ví von là “đệ nhị thiên sơn”, “Đà Lạt của Đông Nam Bộ”, mang vẻ đẹp hoang sơ với hệ sinh thái rừng đa dạng, những vách đá ẩn dưới tán cây xanh mát và dòng suối trong lành chảy quanh năm.

Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa là có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng đồng bằng Đông Nam Bộ với những cánh đồng trải dài bất tận. Nhờ địa hình, nơi đây có khí hậu đặc biệt tựa như Đà Lạt thu nhỏ, mát mẻ quanh năm. Khi mây mù giăng lối, đỉnh núi khoác lên mình vẻ huyền ảo, thơ mộng, hệt như một nàng tiên say ngủ.

Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, núi Chứa Chan là nơi hội tụ những giá trị tâm linh sâu sắc, nổi bật nhất là chùa Bửu Quang, hay còn gọi là chùa Gia Lào. Nằm ở lưng chừng núi, ngôi chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, ẩn mình trong một hang đá tự nhiên có hình dáng uốn lượn như miệng rồng.

Kiến trúc độc đáo hòa quyện với thiên nhiên, cùng không gian thanh tịnh, đã khiến chùa Gia Lào trở thành điểm đến linh thiêng, thu hút hàng nghìn phật tử và du khách đến hành hương mỗi năm. Đặc biệt là trong dịp Lễ hội cúng Mẹ Gia Lào, hay còn gọi là Lễ cúng Phật Bà Quan Âm.

Lễ hội Mẹ Gia Lào không chỉ là dịp để bày tỏ lòng thành kính với Phật Bà Quan Âm mà còn là cơ hội để cộng đồng gắn kết, chia sẻ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Các nghi thức cúng lễ trang nghiêm, rước kiệu truyền thống, những tiết mục nghệ thuật dân gian như: múa lân, hát chầu văn… đã tạo nên không khí linh thiêng bao quanh ngọn núi.

Ngoài chùa Gia Lào, núi Chứa Chan còn có các công trình tâm linh khác như: chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn và cây đa ba gốc một ngọn - biểu tượng linh thiêng gắn với nhiều truyền thuyết huyền bí. Người dân địa phương tin rằng, cây đa là nơi trú ngụ của các vị thần linh, thu hút du khách đến cầu nguyện và chiêm bái. Núi Chứa Chan cũng lưu giữ dấu ấn lịch sử với di tích Mật khu Hầm Hinh. Đây là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, vườn trà của vua Bảo Đại…

Một trong những lợi thế lớn của núi Chứa Chan là vị trí địa lý đắc địa, nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 100 km. Đây là khoảng cách lý tưởng cho du khách lựa chọn đi nghỉ dưỡng, trải nghiệm dịp cuối tuần.

Núi Chứa Chan còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kết nối dễ dàng với các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận. Tại nơi cửa ngõ giao thương quan trọng của miền Đông Nam Bộ, các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai như cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết và đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành, không chỉ giúp hành trình đến núi Chứa Chan được rút ngắn mà còn mở ra cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế.

Theo MINH ÂN (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, tạo cơ hội cho nhiều gia đình lên lịch vui chơi. Đặc biệt, tour nội địa có xu hướng dịch chuyển ngược, khi lượng khách đổ về TPHCM khá đông nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.