Khi dịch COVID-19 đã bắt đầu được kiểm soát, hạn chế di chuyển được nới lỏng ở châu Á Thái Bình Dương, kết quả nghiên cứu của một số tổ chức độc lập cho thấy ngành du lịch có nhiều dấu hiệu tích cực.
|
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19. (Ảnh: Bùi Huy Hoàng/Vietnam+) |
Khi các chuyến bay quốc tế buộc phải trì hoãn do dịch COVID-19, ngành du lịch không còn cách nào khác là lùi về phía sau, chờ cơn khủng hoảng qua đi. Hầu hết biên giới phải đóng cửa khiến các hãng hàng không, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch “nín thở” theo dõi diễn biến tình hình cũng như cập nhật những thay đổi ưu tiên, đặt sức khỏe và an toàn khách hàng lên hàng đầu.
Giữa bối cảnh các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bắt đầu nới lỏng hạn chế di chuyển, kết quả nghiên cứu của một số tổ chức độc lập cho thấy ngành du lịch có nhiều dấu hiệu tích cực.
Nhu cầu du lịch tăng trở lại
Theo khảo sát người tiêu dùng gần đây của Google, cứ một trong hai người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được hỏi trả lời rằng họ đang muốn hoặc rất muốn đi du lịch. Kết quả này khá tương đồng với thống kê về xu hướng tìm kiếm du lịch tại khu vực. Chỉ trong ba tháng, nhu cầu tìm kiếm về du lịch đã phục hồi khoảng 50% so với mức trước COVID-19.
Những dấu hiệu tích cực này cho thấy người dân đang rất quan tâm tới những chuyến “xê dịch” trong tương lai và đang tìm kiếm thông tin về cách thức cũng như thời điểm họ có thể khởi hành dù vẫn quan tâm theo dõi tình hình dịch bệnh. Với nhu cầu đó, chỉ cần các quốc gia mở cửa, người dân sẽ háo hức dịch chuyển. Nắm bắt tâm lý này, các doanh nghiệp du lịch nên sẵn sàng đáp ứng những khách hàng tiềm năng bằng những thông tin hữu ích cho kế hoạch du lịch của họ.
|
Kết quả khảo sát các điểm đến nội địa được khách Việt Nam quan tâm nhất của Google. |
Theo Google, xu hướng tìm kiếm địa điểm du lịch biển của du khách Việt trong tháng Bảy tăng gấp 5 lần so với tháng 3/2020. Bên cạnh nhu cầu dịch chuyển đến các thành phố lớn như thường lệ, thống kê của Google còn thể hiện du khách Việt đang có xu hướng chọn du lịch về với thiên nhiên và các vùng biển như Phú Quốc và Đà Lạt cho kỳ nghỉ cuối năm.
Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Booking và Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam.
Du khách Việt đang chuyển hướng từ các tour du lịch trọn gói sang các hoạt động khám phá; nhu cầu du lịch "phượt" tự túc phục hồi nhanh hơn các tour du lịch trọn gói, tăng gấp 2 lần so với trước đại dịch. Địa điểm du lịch miền núi như đỉnh Fansipan đang trở thành thắng cảnh địa phương được lựa chọn hàng đầu, bên cạnh Bà Nà Hills, địa đạo Củ Chi, Vịnh Hạ Long.
Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, cho biết nhu cầu đi du lịch của người dân đã có những tín hiệu tích cực với hơn 71% lựa chọn đi du lịch bằng máy bay, 29% (so với 20% của lần khảo sát trước) lựa chọn đi du lịch bằng xe riêng.
Đáng nói, ngoài ưu tiên an toàn dịch bệnh (31%) và an ninh (26%) như trước đây, lần này yếu tố khả năng tài chính (33%) lại là nhân tố ảnh hưởng lớn và chi phối gần như toàn bộ kế hoạch du lịch của người dân. Đó là hậu quả từ hai đợt dịch khiến nhiều gia đình kiệt quệ.
Chiến lược mới đáp ứng giai đoạn “bình thường mới”
Không có cách tiếp cận nào phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang tìm cách phục hồi niềm đam mê “xê dịch” của khách hàng. Thay vào đó, mỗi thị trường đòi hỏi một lộ trình riêng, phù hợp với các quy định, hạn chế và tâm lý thay đổi của du khách.
Đại diện Google cho rằng ưu tiên số một hiện nay là việc đáp ứng mối quan tâm thời đại số, bởi khách hàng đều “khát” thông tin hữu ích trên trực tuyến.
“Trong khi sự hào hứng về những chuyến du lịch tiềm năng ngày một tăng, cuộc khảo sát của chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng khách hàng đang chuyển sang các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agents) để lên các kế hoạch du lịch. 6 trong số 10 người tiêu dùng ở Trung Quốc mà chúng tôi khảo sát hiện có kế hoạch đặt chỗ thường xuyên hơn với các đại lý du lịch trực tuyến so với trước COVID-19. Con số hiện đã gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các kênh trực tiếp, ví dụ như các ứng dụng hoặc trang web của hãng hàng không và khách sạn,” vị đại diện này nói.
Chiến lược thứ hai là phải thích nghi với COVID-19, đảm bảo an toàn trở thành thương hiệu mới, nhưng nhận thức về an toàn khác nhau theo quốc gia.
|
Khách quốc tế tại một gian hàng trong phố cổ Hội An thời điểm chưa có dịch COVID-19. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Trong một khảo sát tiêu dùng, kết quả cho thấy khách du lịch xếp mức độ sạch sẽ và vệ sinh là một trong ba yếu tố cân nhắc hàng đầu của họ, đi kèm với danh tiếng thương hiệu du lịch hoặc các chương trình ưu đãi khách hàng thân thiết. Nhưng nghiên cứu cũng nhấn mạnh, khái niệm “an toàn” thường khác nhau giữa các quốc gia, điều này ảnh hưởng đến lựa chọn đặt phòng của khách hàng ở mỗi thị trường.
“Ở Trung Quốc, sau giai đoạn COVID-19, 40% khách hàng thích ở khách sạn, trong khi đó chỉ có 9% người lựa chọn thuê nhà lưu trú. Tuy nhiên, xu hướng trái ngược ghi nhận tại New Zealand, nơi các lượt đặt phòng nội địa trên Airbnb phục hồi nhanh hơn mức trước COVID-19 so với khách sạn. Tại Việt Nam, yếu tố hàng đầu đối với du khách Việt khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch là uy tín thương hiệu,” đại diện Google cho hay.
Chiến lược thứ ba chính là phương thức kinh doanh mới, sự cần thiết của việc tái kích cầu du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng).
Mặc dù người dân đang hào hứng trở lại với du lịch giải trí, nhưng các nghiên cứu của Google cho thấy một số tình trạng bất ổn của nhu cầu đi công tác, đặc biệt là phân khúc MICE - một trong những phân khúc quan trọng đối với các doanh nghiệp du lịch, đây là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành cùng nhau thể hiện vai trò chủ chốt trong việc chuyển dịch tâm lý người tiêu dùng theo chiều hướng tích cực.
|
Sapa những ngày vắng khách vì dịch bệnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Xây dựng niềm tin cho khách hàng là chìa khóa để khơi dậy nhu cầu đối với phân khúc MICE. Các chính phủ đóng vai trò tích cực trong việc nỗ lực kích cầu, chẳng hạn như chính phủ Singapore gần đây đang thí điểm sáng kiến cấp phép trở lại cho các sự kiện tối đa 250 người tham dự bắt đầu từ tháng 10.
Lời khuyên của các chuyên gia trước tâm lý bất ổn của du khách công tác, các công ty du lịch là nên tích cực tạo thiện cảm bằng cách nêu bật các biện pháp an toàn như thực hiện nguyên tắc cách ly xã hội đối với các sự kiện MICE.
Giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, các công ty du lịch nếu còn trụ được trên thị trường đều đang tích cực chuyển mình, liên tục cập nhật, tự đổi mới để thích nghi và đáp ứng xu thế mới, những mong chèo lái con thuyền doanh nghiệp qua “cơn bĩ cực.”
Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu thị trường từ các đơn vị độc lập sẽ là cơ sở hữu ích cho doanh nghiệp Việt nắm bắt nhu cầu, tâm lý thay đổi khó lường của khách hàng trong hoàn cảnh mới, để có thể cung cấp những dịch vụ phù hợp.
Mai Mai (Vietnam+)