Hai năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hàng loạt homestay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bị ế ẩm. Điều này khiến một số chủ đầu tư các homestay lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” chấp nhận rao bán để trả nợ.
Bán homestay trả lãi ngân hàng
Để có vốn đầu tư vào các khu homestay, nhiều gia đình, doanh nghiệp phải vay lãi ngân hàng để xây dựng. Nhưng 2 năm vừa qua, do dịch Covid-19, tại các khu, điểm du lịch tỉnh Ninh Bình tạm dừng hoạt động, lượng khách về đây tham quan, lưu trú gần như không có.
|
Homestay có vị trí đẹp ở tỉnh Ninh Bình rao bán để trả lãi ngân hàng. Ảnh: Nguyễn Trường |
Hiện tại, lướt qua một số trang mua bán nhà đất ở Ninh Bình, không khó để bắt gặp thông tin, địa chỉ cho thuê, rao bán, sang nhượng homestay...
Đặc biệt, các chủ homestay còn đăng cả dòng thông tin đi kèm là "nợ ngân hàng, cần bán gấp", "bán gấp để trả nợ ngân hàng"... Các thông tin rao bán được công khai, giá cả cũng tùy thuộc vào từng vị trí, diện tích của các homesaty đó.
|
Cách khu, điểm tham quan du lịch vắng khách do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Thượng |
Chị Nguyễn Thị Bắc (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) cho biết: "Gia đình có vay mượn gần 10 tỉ đồng để đầu tư homestay rộng gần 1.000 m2 bao gồm 9 căn bungalow, 1 nhà khách, 3 phòng ngủ gia đình,...Trong tháng 4/2021, tôi đã phải bán tháo homestay trên với giá 8,5 tỉ đồng, để trả nợ ngân hàng vì không có khách đến lưu trú".
Anh Lê Văn Trọng (tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) cho biết: "Sau khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên ập đến, lượng khách sụt giảm trầm trọng. Nhận thấy tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, ngay trong tháng 8/2020, tôi đã đăng bán homestay rộng 450m2, với giá 15 tỉ đồng".
Chủ homestay "ngậm đắng" bán lỗ
Nhiều chủ homestay ở tỉnh Ninh Bình "ngậm đắng" bán với giá thấp so với mức đầu tư ban đầu, nhưng thực tế các thương vụ "chốt khách" vẫn còn khá ít. Nhiều chủ cơ sở vẫn đang cố cầm cự, còn bên mua chờ cơ hội rẻ hơn.
|
Các chủ homestay tại tỉnh Ninh Bình chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn ít người hỏi mua. Ảnh: Nguyễn Trường |
Thông thường các chủ homestay rao bán một khu khoảng 10-20 tỉ đồng là rất lớn nhưng trên thực tế các chủ cơ sở đều đã chấp nhận bán lỗ. Như một chủ homestay ở xã Ninh Hòa năm 2020 có khách trả 18 tỉ đồng, ông chần chừ không bán vì muốn nghe ngóng tình hình xem có cải thiện không. Tuy nhiên khi dịch bùng phát lần 4, diễn biến phức tạp kéo dài. Hiện tại, hạ giá xuống còn 14 tỉ đồng, nhưng tìm người có nhu cầu mua cũng là việc không hề dễ dàng…
"Thời điểm này dịch bệnh còn phức tạp, có mua cũng không kinh doanh được, khách mua chủ yếu từ Hà Nội về mua để đầu tư bất động sản sinh lời. Những homestay bán được chủ yếu là những cơ sở có quy mô nhỏ, giá giao động dưới 10 tỉ đồng", đại diện Hiệp hội Bất động sản Ninh Bình cho biết.
|
Dịch Covid-19, nhiều chủ homestay đóng cửa. Ảnh: Vũ Thượng |
Năm 2021, tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành du lịch tỉnh Ninh Bình do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Số lượng khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh 6 tháng đầu năm giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Ước tính tổng số lượng khách đến các điểm thăm quan đạt 867,5 nghìn lượt, giảm 42,3% so với 6 tháng năm 2020. Trong đó, khách trong nước đạt 854,5 nghìn lượt, giảm 36,2%; khách quốc tế 13,0 nghìn lượt khách, giảm 92,1%.
Trên địa bàn xã hiện có hơn 100 homestay, tình trạng các chủ homestay ồ ạt rao bán đã diễn ra gần 1 năm nay. Tuy nhiên, người bán thì nhiều nhưng người mua không có, từ cuối năm 2020 đến nay xã mới chỉ tiếp nhận 2 hồ sơ mua bán, chuyển nhượng các homestay", ông Nguyễn Văn Hoạt-Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết.
Theo Vũ Thượng (Dân Việt)