Nhiều loại diều độc đáo xuất hiện tại Lễ hội Diều quốc tế Huế 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến với không gian trưng bày diều, người dân và du khách được chiêm ngưỡng 120 "con" diều với các chủng loại diều truyền thống như diều rồng, chim phượng hoàng, chim công, diều hâu, quạ, én...
Đông đảo người dân thành phố Huế tham gia lễ hội. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Đông đảo người dân thành phố Huế tham gia lễ hội. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Chiều 3/6, tại Công viên Tứ Tượng, thành phố Huế, Trung tâm Festival Huế tổ chức khai mạc Lễ hội Diều quốc tế Huế 2023, thu hút đông đảo người dân, du khách và các nghệ nhân diều tham gia.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Phó Giám đốc Trung Tâm Festival Huế Hồ Đăng Long nhấn mạnh Lễ hội Diều quốc tế Huế 2023 là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Hạ của Festival Huế 2023; nhằm góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống làm diều của Huế, đồng thời thu hút du khách, tạo sân chơi và cơ hội thưởng lãm cho những ai yêu thích bộ môn “nghệ thuật rối trên không.”

Đồng thời đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân địa phương, trong nước cũng như quốc tế gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn và giới thiệu bản sắc văn hóa của đất nước mình với nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Diễn ra từ ngày 3-9/6, lễ hội có sự tham gia của nhiều câu lạc bộ diều trong và ngoài nước.

Có thể kể đến câu lạc bộ diều đến từ Singapore, Malaysia, Thái Lan; cùng với câu lạc bộ Nhà hàng Cánh Diều Vàng (Nam Định), câu lạc bộ diều nghệ thuật Phượng Hoàng, câu lạc bộ diều Hướng Dương (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhóm nghệ nhân diều Huế.

Lễ hội gồm các hoạt động chính như chương trình giao lưu thả diều nghệ thuật của các câu lạc bộ tại Quảng trường Ngọ Môn và bãi biển Thuận An; không gian trưng bày diều và trải nghiệm làm diều.

Đặc biệt, đến với không gian trưng bày diều, người dân và du khách được chiêm ngưỡng 120 "con" diều với các chủng loại diều truyền thống như diều rồng, chim phượng hoàng, chim công, diều hâu, quạ, én, gà trống, bướm và cá vàng... có chiều dài sải cánh từ 1,5m đến 3m, riêng diều rồng dài 50m.

Việc trưng bày diễn ra tại Công viên Tứ Tượng thuận tiện cho du khách và người dân đi dạo đường Lê Lợi, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu thưởng lãm.

Ông Muaz đến từ Hiệp hội Diều Malaysia cho biết đến với Lễ hội Diều quốc tế Huế 2023, đơn vị mang đến giới thiệu hơn 30 loại diều truyền thống và hiện đại của Malaysia được thiết kế tinh xảo, như diều Wau Bulan-Diều Mặt trăng, Wau Kucing-Diều Mèo, Wau Jala Budi, Wau Merak…

Những chiếc diều được làm từ tre và giấy, phần khung được trang trí với những họa tiết chạm khắc tinh xảo và phủ sơn bên ngoài hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách và người dân Cố đô những trải nghiệm mới mẻ.

Lễ hội Diều là hoạt động ý nghĩa, ông hy vọng lễ hội sẽ diễn ra thường xuyên để ông và các bạn trong hiệp hội có cơ hội đến Huế nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các buổi biểu diễn thả diều tổ chức tại khu vực Quảng trường Ngọ Môn và bãi biển Thuận An vào các buổi chiều; hoạt động trải nghiệm làm diều “Cánh diều tuổi thơ” tại Công viên Tứ Tượng hứa hẹn sẽ mang đến một không gian đầy màu sắc lễ hội, sinh động và ngập tràn sức sống cho thành phố Huế xinh đẹp và thơ mộng.

Lễ hội Diều quốc tế 2023 được định hướng hình thành và phát triển một lễ hội văn hoá - nghệ thuật - du lịch mới tại Thừa Thiên Huế vào mùa hè.

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.