Nhiều dự án năng lượng được vận hành thương mại: Tăng sản lượng điện và nguồn thu ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhiều dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hoàn thành thủ tục để đi vào vận hành thương mại (COD).

Không chỉ giúp doanh nghiệp có doanh thu để duy trì hoạt động, việc có thêm nhiều dự án năng lượng được COD còn giúp tăng sản lượng điện sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trong hơn 2 năm qua, ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh có bước đột phá khi triển khai 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4 MW. Đến cuối năm 2021, 9 phần dự án/dự án điện gió với tổng công suất 629 MW (gồm 4 phần dự án điện gió với công suất 287,8 MW, 5 dự án toàn phần với công suất 341,2 MW) và 1 phần dự án điện mặt trời với công suất 21 MWp đã hoàn thành nhưng chưa đủ điều kiện COD.

Từ cuối năm 2023 đến nay, 4 phần dự án/dự án với tổng công suất 245 MW đã hoàn tất thủ tục và được COD (gồm Nhà máy Điện gió Hưng Hải với công suất 96 MW, Nhà máy Điện gió Ia Pếch 2 với công suất 50 MW, Nhà máy Điện gió Song An với công suất 46,2 MW, Nhà máy Điện gió Ia Le 1 với công suất 52,8 MW).

Như vậy, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 384 MW của 5 phần dự án/dự án điện gió và 21 MWp của 1 phần dự án điện mặt trời chưa đủ điều kiện COD (gồm 1 phần dự án của Nhà máy Điện gió Chơ Long với công suất 105,5 MW và 1 phần dự án của Nhà máy Điện gió Ia Pếch với công suất 33,5 MW; 3 dự án toàn phần gồm Nhà máy Điện gió Phát triển miền núi với công suất 50 MW, Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên với công suất 50 MW, Nhà máy Điện gió Yang Trung với công suất 145 MW; 1 phần dự án Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa 2 với công suất 21 MWp).

Trạm biến áp 220 kV tại Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: T.N

Trạm biến áp 220 kV tại Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: T.N

Trong số các phần dự án/dự án chưa được COD này có 6 phần dự án/dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 của Bộ Công thương về ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp) và ký hợp đồng mua bán điện (PPA); 5/6 phần dự án/dự án đang được kiểm tra điều kiện cấp phép hoạt động điện lực, 1 phần dự án đang thực hiện thủ tục cấp phép; 3/6 phần dự án/dự án đã có văn bản chấp thuận công tác nghiệm thu, 2/6 phần dự án/dự án đã được tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu nhưng chưa có văn bản chấp thuận, 1 phần dự án đang thực hiện lập hồ sơ để đề nghị kiểm tra; 6/6 phần dự án/dự án đã hết thời gian hoàn thành dự án theo quyết định chủ trương đầu tư được chấp thuận.

Việc các dự án điện gió được phê duyệt giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá để được vận hành đã phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, có doanh thu để duy trì hoạt động. Ông Chẩu Văn Sơn-Quản lý Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1-cho hay: Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 có công suất 100 MW với 28 trụ tua bin gió. Dự án đã COD 1 phần với công suất 47,2 MW vào năm 2021, phần công suất còn lại là 52,8 MW đã COD vào cuối tháng 3-2024.

Nhờ vậy, sản lượng điện của Nhà máy sản xuất ra tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Năm nay, Nhà máy ước đạt sản lượng điện khoảng hơn 201 triệu kWh, dựa trên tính toán ở điều kiện lý tưởng. “Hơn 2 năm qua, Nhà máy rất khó khăn vì chưa được COD. Do đó, việc được COD sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo sản lượng điện và tăng nguồn thu cho tỉnh”-ông Sơn nói.

Theo một số doanh nghiệp điện gió, hiện nay, giá tạm tính chưa đến 800 đồng/kWh là rất thấp. Bởi lẽ, vào thời điểm thi công các dự án điện gió, giá vật tư, máy móc thiết bị nhập khẩu đều tăng 10-20% so với trước đó. Do vậy, khi giá bán thấp đòi hỏi năng lực vận hành của doanh nghiệp phải ở mức tối ưu qua việc cắt giảm chi phí hoạt động để đảm bảo hiệu quả cho dự án. Hiện nay, tỉnh đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các dự án năng lượng tái tạo sớm được COD, đóng góp sản lượng điện và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Nhà máy Điện gió HBRE Chư Prông được vận hành thương mại từ năm 2021. Ảnh: Thảo Nguyên

Nhà máy Điện gió HBRE Chư Prông được vận hành thương mại từ năm 2021. Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: Hơn 2 năm qua, các dự án điện gió dù đã xây dựng xong nhưng chưa được đấu nối phát điện đã gây lãng phí nguồn lực đầu tư, lãng phí nguồn điện rất lớn, gây nhiều khó khăn về tài chính cho các chủ đầu tư. Hiện các dự án/phần dự án được COD đã giúp doanh nghiệp có nguồn thu từ bán điện và từng bước thu hồi vốn của dự án.

Theo thông tin từ Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh đã vận hành được gần 3.500 MW năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối). Năm 2024, các nhà máy điện gió còn lại tiếp tục được COD sẽ đóng góp hơn 453 triệu kWh. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất trên toàn tỉnh là hơn 4,188 tỷ KWh, đạt 33,5% kế hoạch năm, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điện tăng do các nhà máy thủy điện phát huy công suất; các dự án điện gió đi vào hoạt động từ cuối năm 2023 đến nay đã đóng góp đáng kể vào sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Cùng với việc khai thác trữ lượng nước trên hệ thống sông suối để phát triển thủy điện thì tiềm năng điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối đang được phát huy khi nhiều dự án đã được hòa lưới. Hiện nay, Gia Lai đã có gần 3.500 MW năng lượng tái tạo.

Tỉnh đang triển khai Quy hoạch Điện VIII nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp năng lượng, từng bước đưa Gia Lai trở thành một trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, một hình mẫu về phát triển năng lượng tái tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định.

Tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 12 tỷ kWh/năm cho thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của tỉnh, phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025. Ảnh: Ngọc Minh

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025

(GLO)- Sáng 27-11, Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) triển khai công tác chuẩn bị vào vụ ép mía 2024-2025; phát động ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy Đường An Khê, cá nhân kinh doanh vận tải niên vụ mía 2024-2025.