"Nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá chỉ vì... đất vàng, đất kim cương"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm trễ phần lớn do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Trong đó, có một số doanh nghiệp cổ phần hoá chỉ vì đất.

Cổ phần hoá rất chậm

Tại Hội thảo: "Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hoá tại các DNNN và Vai trò của Kiểm toán Nhà nước" sáng 24.11, nói về vấn đề thoái vốn tại DNNN, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, chúng ta đã thoái được 899 tỉ đồng, thu về 1.845 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc thoái vốn, cổ phần hoá - theo ông Long "vẫn còn chậm và chưa hiệu quả". Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, sự bùng phát của dịch đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề cổ phần hoá.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, công ty lớn đang tiến hành thoái vốn như VNPT, TKV, Mobifone... có tình hình tài chính rất phức tạp, nhiều tài sản không nằm trong quy định của pháp luật để xác định giá trị, một số tài sản không thể định giá được, nhất là vấn đề đất đai.

“Nhiều người nói khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá phải xác định theo giá trị của thị trường. Tuy nhiên, điều này rất chung chung, cảm tính, muốn xác định giá trị doanh nghiệp thì phải đấu giá mới biết được"- ông Long nói.

Ngoài ra, ông Long cho rằng, việc chậm thoái vốn còn do hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.

 

Hội thảo nâng cao hiệu quả cổ phần hoá tại các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: C.N
Hội thảo nâng cao hiệu quả cổ phần hoá tại các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: C.N


Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) cũng nêu lên thực tế khiến việc thoái vốn, cổ phần hoá còn chậm chạp. Đó là tại Việt Nam, việc xác định giá trị tài sản còn có trường hợp không chính xác, có sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho,... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

Có một số doanh nghiệp cổ phần hoá chỉ vì đất

Nêu quan điểm tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, tình trạng cổ phần hóa chậm trễ một phần lớn là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Quá trình cổ phần hóa DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình cổ phần hóa. Có một số doanh nghiệp cổ phần hoá chỉ vì đất, trong đó có những mảnh thuộc đất vàng, đất kim cương.

Từ nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước, theo ông Ánh, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc chống nguy cơ thất thoát đất công trong và sau quá trình cổ phần hoá DNNH là rất quan trọng.

Thực tế, qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề trong sử dụng đất đai, nổi bật là vụ vi phạm Luật Đất đai, bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá; phát hiện một số doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước bán tài sản gắn liền với đất được thuê trả tiền hàng năm không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013…

Ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng kiểm toán Nhà nước cho hay, trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội quan tâm.

“Từ năm 2017 cho đến nay, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp.

Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, các dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...

"Từ những lý do đó, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả đối với công tác cơ cấu, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước", ông Tiên cho hay.

https://laodong.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-co-phan-hoa-chi-vi-dat-vang-dat-kim-cuong-856866.ldo
 

Theo CƯỜNG NGÔ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.