Chỉ trong vài tháng, lượng dữ liệu tạo ra có thể bằng cả nghìn năm trước con người tạo ra, song phân tích, xử lý lượng dữ liệu này không dễ dàng.
|
Chỉ trong vài tháng, lượng dữ liệu tạo ra có thể bằng cả nghìn năm trước con người tạo ra, song phân tích, xử lý lượng dữ liệu này không dễ dàng. |
Dữ liệu hiện hữu như là một phần trong tất cả các khía cạnh cuộc sống, từ giáo dục, thể thao, giải trí đến tổ chức thành phố, y tế và tài chính. Có mặt trong các vật dụng hàng ngày, từ chiếc xe được kết nối đến tivi thông minh, vật dụng trong nhà thông minh... dữ liệu trở thành một phần quan trọng, không thể thay thế sự tồn tại và tạo ra những kiến thức mới cho chính loài người.
Dữ liệu biết nhiều về con người hơn là con người hiểu về dữ liệu
Theo ông Pierre Bonnet, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Orchestra Networks Việt Nam, dữ liệu biết nhiều hơn về chúng ta hơn là chúng ta biết về dữ liệu và chúng phát triển nhanh đến mức mà ta đang phải vật lộn để theo sát được quá trình đó.
"Có thể ví dữ liệu như một "siêu nhận thức" mà nếu sử dụng đúng cách, chúng có thể hỗ trợ làm tăng khả năng trí tuệ của con người. Mặt khác, dữ liệu cũng được liên kết với nhiều dữ liệu lớn hơn để tạo ra một mạng lưới “siêu nhận thức”. Big Data chính là ma trận này, nó trang bị cho con người cái nhìn tốt hơn về môi trường xung quanh", ông Pierre giải thích.
|
22 Ông Pierre Bonnet, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Orchestra Networks Việt Nam. |
"Đây chính là cơ hội tốt để giúp con người giải quyết được các vấn đề phức tạp và các hệ thống đang vận hành trên trái đất. Có thể nói một thế giới mới đang được xây dựng trên một ma trận “siêu nhận thức” và “những người ra quyết định thay thế, ông Pieree cho hay.
"Có thể thấy rõ, thế giới đang sở hữu khối lượng dữ liệu rất lớn về cuộc sống của mỗi người. Thậm chí những dữ liệu này có thể đưa ra quyết định thay cho chúng ta hay nói rõ hơn là cung cấp những "nguyên liệu" để dẫn tới nhận định của chúng ta", ông Pierre Bonnet nhận định.
Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù dữ liệu có nhiều tiềm năng tích cực đóng góp cho sự phát triển của nhân loại, tuy nhiên nó có mặt trái tương đối khó lường và mang đến nguy cơ khi ta quản trị không tốt. Và một trong những nguy cơ lớn nhất khi ta sử dụng dữ liệu và “siêu nhận thức” mà không có kiểm soát, chính dữ liệu và “siêu nhận thức” sẽ quay lại bủa vây cuộc sống của chúng ta.
Thực tế đã chứng minh qua hàng loạt vụ rò rỉ dữ liệu người dùng trong năm qua do vấn đề quản trị dữ liệu không tốt.
Nếu Facebook là một "quốc gia", thì số dân sẽ đông thứ 3 trên thế giới với hơn 2 tỷ người (trong đó có tới 55 triệu thành viên là ở Việt Nam, chiếm 57% dân số, theo thống kê mới nhất của We are Social). Lượng dữ liệu tạo ra trên mạng xã hội này vô cùng lớn, khiến Facebook trở thành "một đế chế" mà bất cứ quốc gia nào cũng phải dè chừng.
Dữ liệu thu thập được từ một mạng xã hội "ảo" nhưng lại gây ra những hệ quả đến những việc lớn tưởng chừng "không thể" như bầu cử Tổng thống, Thủ tướng của một số quốc gia... Điều này khiến cả thế giới đều phải nhìn nhận lại vấn đề về dữ liệu.
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Học viện AI Việt Nam cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại số hóa cao và dữ liệu được xem một thứ “dầu mỏ” mới. Tuy nhiên việc có dữ liệu lớn (big data) không đồng nghĩa với việc có thể khai thác nó.
|
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Học viện AI Việt Nam. |
"Những dữ liệu cá nhân người Việt hầu hết đều nằm trong tay các công ty nước ngoài, do chúng ta dùng nền tảng chia sẻ dữ liệu là của nước ngoài như Facebook, Google... Hay nói cách khác, chúng ta nộp không dữ liệu người Việt cho họ. Đến khi các doanh nghiệp Việt muốn dùng những dữ liệu đó thì lại phải trả phí. Đây là điều bất hợp lý đang xảy ra", ông Hoài cho biết.
"Trong khi Việt Nam có một khối lượng lớn dữ liệu chuyên ngành từ những cuộc tổng điều tra dân số, điều tra doanh nghiệp, điều tra lao động, du lịch, bất động sản... song, đa số những dữ liệu này mới chỉ nằm trên giấy, file excell và biến thành "nguồn dầu mỏ" đóng kín không được sử dụng", ông Hoài cho hay.
Giới chuyên gia nhận định, nếu không có dữ liệu hoặc tệ hơn là không đủ khả năng quản trị dữ liệu, kỳ vọng ứng dụng các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robot... trong xây dựng kinh tế số, chính phủ số... có thể trở thành bất khả thi.
Vân Anh/VOV.VN