'Người cha' cả đời đi 'mua' lại những đứa bé bị nhiễm... HIV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc đời mình, ông dành cho những “thiên thần” vô tội, vốn không may mắn ngay khoảnh khắc chào đời.

 Linh mục Phương Đình Toại - người cha của hàng trăm đứa trẻ mang căn bệnh thế kỉ
Linh mục Phương Đình Toại - người cha của hàng trăm đứa trẻ mang căn bệnh thế kỉ



Cuộc đời mình, ông dành cho những lần đối mặt đám “cò” người, vì đồng tiền mà bất chấp lương tri. Cuộc đời mình, ông dành cho những người phụ nữ ở bên bờ tuyệt vọng. Cuộc đời mình, ông dành cho những “thiên thần” vô tội, vốn không may từ ngay khoảnh khắc chào đời.

Ông mang tất cả về mái nhà chung. Nơi đó, không có những gì đen tối của căn bệnh thế kỉ như người ta hay nghĩ, chỉ có tình người, chỉ có nụ cười, chỉ có niềm tin. Ông đặt tên nhà là Mai Tâm. Ông nói, đó là trái tim của ngày mai, là trái tim sáng tươi, là trái tim của niềm hy vọng. Hy vọng ấy, không chỉ của một mình ông.

Không giành thì chúng làm sao?

Năm 2000, linh mục Phương Đình Toại thuộc dòng Camillo sang Thái Lan làm y sĩ cho một trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Và chính tại nơi đó, một câu chuyện đã ám ảnh ông cho đến mãi sau này.

Ông kể, có một người phụ nữ Việt bị bán qua Campuchia để “hành nghề”. Khi cô phát hiện mình mắc người căn bệnh thế kỉ cũng là lúc cô biết mình đang có một sinh linh. Bị đuổi ra đường, cô tìm cách sang Thái Lan. Đứa trẻ chào đời, cô suy kiệt. Cô được đưa vào trung tâm nơi linh mục Toại làm việc và được chính tay ông chăm sóc vì chỉ có ông nói được tiếng Việt. Trước khi nhắm mắt, cô nhìn ông khẩn cầu, rằng điều duy nhất cô muốn chỉ là tìm lại đứa con, đưa nó về quê nhà.

Và rồi ông giúp cô hoàn thành ý nguyện. Nhưng cũng từ đó nhiều điều khiến ông thao thức: Tại sao có một đồng hương bị xã hội vùi dập? Tại sao có một phận đàn bà bị ruồng bỏ? Tại sao có một linh hồn vừa mở mắt, một linh hồn kia đã phải nhắm mắt nơi đất khách quê người?

Bốn năm sau, linh mục Toại trở về Việt Nam, được Tòa Tổng giám mục địa phận TP.HCM giao nhiệm vụ quản lý Ban Mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS. Ông đi khắp các bệnh viện, tìm hiểu, động viên từng bà mẹ mắc bệnh mà không ai chăm sóc. Ông lo thuốc thang, giúp nơi ăn chốn ở cho từng người. Rồi số người cần giúp đỡ ngày càng nhiều nên năm 2005, ông phải thuê một căn nhà ở Q.Phú Nhuận cho việc này.

Mai Tâm ra đời với 5 trẻ được ông bảo bọc và chỉ trong vòng hơn một năm, số lượng các em đã gấp 5 lần. Năm 2009, ông chuyển “nhà” về một nơi khang trang hơn ở Q.Thủ Đức. Người ta nghĩ ông vui nhưng mà vui sao được khi điều đó đồng nghĩa với việc ông phải chứng kiến ngày càng nhiều bi kịch. Một đứa trẻ bơ vơ, một đời người thăm thẳm…


 

Một phòng tự học trong mái ấm Mai Tâm. Mái ấm là nơi những đứa trẻ mắc bệnh HIV/AIDS được nuôi nấng bởi các linh mục dòng Camillo và những người tình nguyện khác.
Một phòng tự học trong mái ấm Mai Tâm. Mái ấm là nơi những đứa trẻ mắc bệnh HIV/AIDS được nuôi nấng bởi các linh mục dòng Camillo và những người tình nguyện khác.



Ban đầu, ông chủ động tìm đến những hoàn cảnh khó khăn để thuyết phục họ. Đó là những bà mẹ cực cùng tuyệt vọng, không còn người đàn ông cạnh mình, không còn được gia đình chào đón. Họ nghĩ đã mang căn bệnh này, chỉ có chết, đẻ con chỉ có bệnh. Thôi thì lấy được đồng nào qua ngày thì hay đồng đó.

Họ nằm trên giường, một vài “cò” lân la. Những cuộc ngã giá đôi khi chóng vánh. Mười, mười lăm triệu cho một đứa trẻ lần đầu mở mắt nhìn đời. Liệu trên đời này còn những cuộc mua bán nào tàn nhẫn và nghiệt ngã hơn nữa không?

Vậy là ông phải “mua”, phải “giành”. Cái ông muốn là đưa một người mẹ vừa rứt ruột bán con, một đứa trẻ vừa "hóa" thành món hàng, trở về với cuộc sống bình thường. Ông không oán trách ai cả, nhưng ông sẽ trách mình nếu để lỡ “món hàng” kia.

Ông nhiều lần vét sạch túi, chỉ để làm "xiêu lòng" những người mẹ đang hoảng loạn. Ông nhiều lần vướng vào những hợp đồng mua bán đã xong, nhưng vẫn cố ẵm bằng được đứa trẻ đỏ hỏn ra khỏi bệnh viện, an toàn vượt qua những tay “cò” nguy hiểm vừa bị cướp miếng ăn. Nguy hiểm đến độ, có lần cơ quan chức năng phải hộ tống ông về.

Biết đứa trẻ nào cũng cần có mẹ, ông luôn cố gắng thuyết phục cả người mẹ về cùng: “Thôi chị về mái ấm, xem như nghỉ sinh vài ngày. Với nuôi đứa trẻ giúp chúng tôi vài ngày thôi, nó còn nhỏ quá”. Chỉ cần họ chịu về là ông thở phào. Bởi vì, chỉ một vài lần nhìn đứa trẻ khóc, một vài lần cho nó bú mớm, một vài lần thấy bàn tay nhỏ xíu nắm chặt ngón tay mình, người mẹ sẽ tự khắc chẳng muốn buông.

Cứ vậy, mái ấm chở che hàng trăm phận người, chật ních. Thế mà chỉ cần nghe ở đâu có trẻ “si-đa”, ở đâu có cuộc bán mua số phận, ông lại tức tốc lên đường.

Mai Tâm là mái ấm của 87 đứa, khó đủ bề với 87 miệng ăn, 87 cái đầu cần nạp kiến thức, 87 trái tim cần được yêu thương… người ta nói vậy mà ông còn đi "giành giật".

Còn ông trả lời: “Không giành, thì chúng làm sao?”

Cuộc đời tụi con rất quan trọng với cha

Nếu tính luôn có những trường hợp bà mẹ nhiễm bệnh thì Mai Tâm là nơi nương náu của hơn 300 phận người. Vậy mà linh mục Toại nhớ từng câu chuyện đời, nhớ tính tình từng đứa trẻ.


 

Linh mục Phương Đình Toại vẫn nhớ như in từng phận đời từng được chở che trong mái ấm.
Linh mục Phương Đình Toại vẫn nhớ như in từng phận đời từng được chở che trong mái ấm.



Rất nhiều trong số đó, vì được uống thuốc kịp thời khi vừa sinh ra và phơi nhiễm, chỉ khoảng 40 ngày thì triệt tiêu hoàn toàn căn bệnh. Rất nhiều trong số đó, được chăm sóc và thuốc thang đều đặn, sống khỏe mạnh như một người bình thường. Thậm chí, nhiều em còn học đại học, trong đó có em tốt nghiệp ngành điều dưỡng, rồi tự quay về mái ấm làm việc. Nhưng cũng người vì phát hiện muộn mà không đủ sức chống chọi được số phận của mình.

“Cô ta nghèo, mắc bệnh, rồi sinh con ra. Trước khi mất, cô nhờ ông xe ôm đi tìm chỗ gửi con giùm. Ông ta mang thằng bé về nhà một người chú. Một thời gian, người chú gửi nó vào Mai Tâm, trước khi gửi có cho nó một bộ đồ vest nhỏ. Nó quý lắm, để dành mặc đi học, không cho ai đụng vào hết. Bệnh tình nó ngày càng nặng, chỉ còn nằm một chỗ. Lần đó, mái ấm có tổ chức đám cưới cho một người. Cả nhà dắt nhau đi, thì có một đứa không có đồ mới nên buồn. Thằng bé kia nghe, tự nhiên bảo, lấy áo mình mặc đi. Vài hôm sau, thằng bé mất…”, ông kể. Lần nào nhắc đến thằng bé, ông cũng lặng người.

Bảy tám tuổi, ai dạy chúng những điều đó? Thứ đứa trẻ ấy rất quý, trước khi ra đi, nó biết cho đi. Đó là bài học về lòng nhân mà ông được đứa trẻ ấy dạy cho mình. Lòng “nhân” đó phải được khơi dậy, cả trong đói nghèo và bệnh tật. Ông nói chính bài học mà tụi trẻ đã dạy ngược lại cho ông cũng chính là động lực để ông sống và làm công việc này.

Mỗi ngày, ông luôn thủ thỉ với những đứa con của mình rằng: “Cuộc đời tụi con rất quan trọng với cha”. Ngoài bệnh tật, mất cha mất mẹ, chúng phải đối mặt với nỗi đau lớn nhất là không có ai xem chúng quan trọng. Tụi trẻ luôn mặc cảm, khép mình vì cảm thấy bị bỏ rơi. Ông nói khi đứa trẻ lớn dần, nó biết có một người xem nó là quan trọng, nó có niềm tin sống tiếp.

 

Một góc học tập gọn gàng, tươm tất của những đứa trẻ trong ngôi nhà chung
Một góc học tập gọn gàng, tươm tất của những đứa trẻ trong ngôi nhà chung
Những bức vẽ này được bắt đầu từ đường nét chấm phá, nguệch ngoạc tự do của những đứa trẻ. Sau đó mới được những người quản lý mái ấm hoàn thiện. Đó cũng là một cách định hình tư tưởng cho các em với thông điệp: Mặc dù bắt đầu từ một cái gì đó không hay, nhưng chỉ cần có sự cộng tác thì sẽ trở nên tươi đẹp.
Những bức vẽ này được bắt đầu từ đường nét chấm phá, nguệch ngoạc tự do của những đứa trẻ. Sau đó mới được những người quản lý mái ấm hoàn thiện. Đó cũng là một cách định hình tư tưởng cho các em với thông điệp: Mặc dù bắt đầu từ một cái gì đó không hay, nhưng chỉ cần có sự cộng tác thì sẽ trở nên tươi đẹp.



Ngôi nhà của những đứa trẻ HIV chẳng giống với những mái ấm khác. Bởi lẽ, mái ấm trẻ mồ côi hay cơ nhỡ, tụi trẻ còn mong đến ngày có người đến nhận về. Nhưng những đứa trẻ ấy  lại có một gia đình mới, là chính chúng với nhau. Chúng tự hiểu tính nhau, tự lo cho nhau. Như linh mục Toại nói, có những bất hạnh mà chính những người bất hạnh sẽ tự hóa giải khi ở cùng nhau.

Hành trình đó, vẫn còn dài.

Lưu Trân (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.