Phạm Thị Hoài Thương (lớp 12A7 Trường THPT Hòn Gai, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) cao chưa tới 1 m, đôi chân không thể tự đi lại được do di chứng chất độc da cam, đang đêm ngày miệt mài ôn luyện với quyết tâm trở thành kế toán.
Phạm Thị Hoài Thương tại lớp học |
Ở lớp, Phạm Thị Hoài Thương được bố trí chỗ ngồi hàng đầu tiên với bộ bàn ghế được thiết kế riêng cho vừa khổ người và hoạt động của em. Theo thầy Nguyễn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai, từ năm học lớp 3, một phụ huynh đã tặng bộ bàn ghế đặc biệt này cho Thương và nó theo em đến tận bây giờ.
Thầy Linh cho biết, nhắc đến Phạm Thị Hoài Thương là các thầy cô và học sinh trong trường đều bày tỏ lòng cảm phục về nghị lực trong cuộc sống và kết quả học tập của em. “Học sinh khối 12 học trên tầng 5 nhưng vì lớp 12A7 có Hoài Thương nên chúng tôi bố trí lớp ở tầng 1 để tiện hơn cho Thương. Em ấy rất chăm học và chịu khó, dù bệnh tật nhưng không mặc cảm và đến trường rất chuyên cần”, thầy Linh nói.
“Tuổi thơ dữ dội”
Bà Phạm Thị Nhiễu, mẹ nữ sinh Hoài Thương, cho biết Thương năm nay 23 tuổi, là thế hệ thứ 3 trong một gia đình nhiễm chất độc da cam. Ông ngoại em là lái xe Trường Sơn, đã qua đời vì ung thư do di chứng chất độc da cam. Năm 2017, Thương đã mất người em trai cũng bị di chứng như mình.
“Do bị khuyết tật, sức khỏe rất kém nên Thương không thể đến trường như các bạn cùng tuổi. Nhưng vì muốn con không bị thiệt thòi, tôi đã đi xin sách vở về nhà dạy Thương. Việc học của Thương cũng rất khó vì cháu hầu như chỉ nằm một chỗ, lại thuận tay trái, cầm bút khó khăn, khi viết thì cằm phải tì xuống giường để tay trái tô từng nét”, bà Nhiễu nói.
Những ngày thơ ấu cũng là thời gian rất cực nhọc trong chặng đường học tập của Thương. Bố chỉ sống cùng đến năm Thương 11 tuổi thì mất vì di chứng chất độc da cam, một mình mẹ cáng đáng tất cả. Thương ở nhà một mình, làm bạn với chiếc giường và sách vở để tự học. Nhưng đến năm 13 tuổi, Thương đã vượt qua kỳ kiểm tra năng lực và được Trường tiểu học Cao Xanh (TP.Hạ Long) đặc cách cho vào học lớp 3 cùng các bạn ít tuổi hơn.
“Thấy các bạn xúng xính quần áo mới đến trường, em cũng ao ước được đi học. Thời gian đầu mẹ cõng em đến lớp, mọi người thấy em như vật thể lạ thì xì xào, trêu chọc, có bạn ác khẩu còn gọi em là quỷ lùn. Lắm khi em muốn bỏ học, nhưng rồi mẹ và thầy cô lại động viên nên em vượt qua”, Thương nói.
Hoài Thương ôn thi ở nhà |
Hết tiểu học, rồi THCS, THPT, đường đến trường ngày càng dài, nhưng bà Nhiễu vẫn cần mẫn nắng mưa đưa con đến lớp. Thương cũng lớn hơn, ngồi được xe đạp và được mẹ chở đi, đón về 8 km mỗi ngày vì Trường THPT Hòn Gai cách nhà đến 4 km. Chiếc xe đạp cũ kỹ của bà Nhiễu được gắn một chiếc ghế đặc biệt để Thương ngồi lọt thỏm rồi bám chặt vào mẹ suốt những ngày mưa nắng. Thật đáng khâm phục là dù mang trong mình bệnh tật và hình hài kém may mắn, nhưng các năm học Thương đều là học sinh giỏi, học đều các môn.
Mong làm kế toán để giúp đỡ mẹ
Những ngày này, Hoài Thương đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thương nộp hồ sơ vào Khoa Kế toán của Trường ĐH Hạ Long (Quảng Ninh).
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, Thương sẽ được đặc cách tốt nghiệp THPT nhưng vẫn phải thi để lấy điểm xét vào ĐH. “Tôi tin Thương sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi lần này. Còn nhớ, hồi thi vào lớp 10, dù được đặc cách tốt nghiệp nhưng Thương vẫn đăng ký thi tuyển như học sinh bình thường và còn đỗ vào công lập với điểm số cao”, thầy giáo Bùi Văn Giang, Hiệu phó Trường THPT Hòn Gai, cho biết. Trường THPT Hòn Gai đã báo cáo Sở GD-ĐT Quảng Ninh bố trí phòng thi đặc biệt để tạo điều kiện cho Thương trong kỳ thi sắp tới.
Cũng theo thầy Giang, điều mà mọi người lo lắng nhất lúc này là hoàn cảnh gia đình của Thương rất khó khăn. Nếu thi đỗ đại học, gia đình sẽ phải chuyển đến TP.Uông Bí, cách nhà 30 km để mẹ em có thể chăm sóc cho con. Đáng nói là mọi sinh hoạt của cả nhà đang trông vào quán nước nhỏ của bà Nhiễu ở gần nhà, là khu dân cư số 3, P.Cao Xanh, TP.Hạ Long.
Lúc chúng tôi chia tay Hoài Thương, em nói đầy lạc quan và tràn đầy khát vọng: “Em còn sống được ngày nào thì sẽ còn cố gắng ngày đó, sẽ quyết tâm vào đại học và trở thành kế toán để đỡ đần cho mẹ”. Bà Nhiễu cho biết sẽ sẵn sàng đương đầu với khó khăn, nếu Thương đỗ đại học thì sẽ tìm cách để tiếp tục đồng hành cùng con trong sự nghiệp học hành.
Lã Nghĩa Hiếu (thanhnien)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu