(GLO)- Mô hình tưới nhỏ giọt trên cây hồ tiêu đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân thông qua việc tiết kiệm 30-40% lượng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đây là giải pháp giúp nhà nông vượt qua cơn “đại hạn”.
Hiện tượng El Nino đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây công nghiệp nói chung và cây hồ tiêu nói riêng ở Gia Lai. Theo ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, từ đầu mùa khô đến nay 100% diện tích hồ tiêu của huyện Chư Sê bị ảnh hưởng bởi thiếu nước tưới.
Mô hình tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được 30-40% lượng nước tưới và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Tú Uyên |
Tại hội thảo bàn về phương pháp nước tưới trên cây công nghiệp chống hạn cho mùa khô Tây Nguyên diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Việc tưới nước duy trì cho cây trồng là cần thiết đối với sự phát triển của cây trồng. Hơn nữa, phương pháp tưới duy trì đều đặn vừa tiết kiệm nước lại rất hữu ích trong điều kiện thời tiết bây giờ. Mô hình tưới tiết kiệm áp dụng theo công nghệ Israel được Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh tiếp nhận và cung cấp cho nhà nông là giải pháp tốt.
Mô hình tưới tiết kiệm là hình thức tưới nhỏ giọt tại gốc. Khác với phương pháp tưới truyền thống, mỗi đợt tưới cách nhau 20-25 ngày, phương pháp tưới nhỏ giọt tại gốc từ 2 đến 3 ngày/cây được tưới một lần giúp giữ độ ẩm của đất theo nhu cầu phát triển của cây hồ tiêu. Mặt khác, hình thức tưới này giúp gom bộ rễ trong một diện tích để cây hấp thụ dưỡng chất. Lông hút cuối cùng của bộ rễ làm chức năng hút nước và dưỡng chất, nếu không cung cấp đủ độ ẩm cho cây thì lông hút chết, cây phải tự sản sinh ra nước và dinh dưỡng để tự nuôi sống, lâu dần cây sẽ bị còi cọc, thiếu dinh dưỡng.
Hộ anh Trần Văn Lam (tổ 13, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) có 1.600 cây hồ tiêu. Anh Lam sử dụng mô hình này từ năm 2013 và cảm thấy tiện lợi, vừa tiết kiệm được nhân công, vừa không phải kéo ống đi khắp vườn. Tưới tiết kiệm còn giúp đưa lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được hòa tan thẩm thấu vào rễ cây trồng thông qua đường ống nước, giúp cây hấp thu nhanh hơn và tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Trong khi các vườn tiêu khác đang quay quắt vì nắng hạn thì vườn tiêu rộng hơn 3 ha của hộ nông dân Lê Hùng Huấn (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) lại xanh mướt và phát triển tốt. Chia sẻ bí quyết, anh Huấn cho biết: “Tôi chọn hình thức tưới tiết kiệm nhỏ giọt tại gốc kết hợp hệ thống phun mưa ở trên để lá trên cao không bị cháy úa. Cây tiêu nhà tôi năm nào cũng cho năng suất cao nhưng mùa vụ sau cây vẫn sinh trưởng phát triển rất tốt, không bị “kiệt sức”. Mô hình tưới này tiết kiệm nhân lực, mang đến hiệu quả cao”.
Theo ông Hoàng Phước Bính, việc tưới phun mưa từ trên là rất cần thiết vì cây hồ tiêu là họ cây lưỡng tính (tự thụ phấn), cần một lượng mưa tác động để làm rách bao phấn, cây dễ ra hoa và kết quả. Đồng thời, hình thức tưới phun mưa giúp loại bỏ tác hại do những cơn mưa axit thường có vào đầu mùa mưa Tây Nguyên.
TS. Lê Ngọc Báu-Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên đánh giá cao hệ thống tưới tiết kiệm đặc biệt là đối với cây tiêu. Theo ông, đây là một trong những phương pháp lý tưởng và trong tương lai, cần được nhân rộng để nâng cao hiệu quả khai thác cây công nghiệp ở Tây Nguyên.
Tú Uyên