Mô hình thí điểm trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu đầu tiên của tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đây là mô hình thí điểm để tính toán hiệu quả kinh tế-xã hội, tiến đến giới thiệu và nhân rộng ra toàn tỉnh nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nguồn nguyên liệu của địa phương. Đồng thời, tạo thu nhập ổn định cho người lao động tại chỗ.
 

Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu thuộc đề án Khuyến công Quốc gia năm 2015 tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.U
Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu thuộc đề án Khuyến công Quốc gia năm 2015 tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.U

Thực hiện đề án Khuyến công Quốc gia năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. “Đây là mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu đầu tiên tại tỉnh ta. Trước đây, Trung tâm đã đứng ra xây dựng nhiều mô hình trình diễn các loại sản phẩm khác trên thị trường”- bà Nguyễn Thị Bích Hằng- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, cho biết.

Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ đứng chân tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông là đơn vị thụ hưởng duy nhất trên địa bàn huyện Chư Prông có nhu cầu vốn đầu tư trong đề án Khuyến công Quốc gia năm 2015 thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, dự án đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến hồ tiêu với công suất 3.500 tấn/ năm được xem là dự án phù hợp với chương trình mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Việc xây dựng một nhà máy chế biến hồ tiêu sẽ đáp ứng được thị trường tiêu thụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất cho công nghiệp tỉnh nhà.

 

Hạt tiêu có độ ẩm 12,6 trên 100 gram là đạt so với 13,5% độ ẩm tiêu chuẩn. Ảnh: T.U
Hạt tiêu có độ ẩm 12,6 trên 100 gram là đạt so với 13,5% độ ẩm tiêu chuẩn. Ảnh: T.U

Ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ, phấn khởi cho biết: “Được thành lập năm 2011 với ngành nghề đăng ký kinh doanh là thu mua và xuất khẩu hàng nông sản. Khi chưa có nhà máy, năng suất sản xuất và chế biến của công ty chỉ đạt gần 1.000 tấn/năm do chưa có sự đồng bộ giữa mua và bán. Từ đầu năm đến nay, được sự hỗ trợ trang-thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất, công suất của nhà máy ước đạt 5.000 tấn/năm”. Ông Trung Thành cho biết thêm, để dây chuyền nhà máy đi vào hoạt động đủ công suất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ và các nước châu Âu, chúng tôi sử dụng dây chuyền hiện đại do nhà máy chế tạo máy Sinco Hồ Chí Minh sản xuất với công nghệ đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn tiêu thành phẩm ASTA.
 

Một góc nhà máy chế biến nông sản có công suất đạt 10.000 tấn mỗi năm. Ảnh: T.U
Một góc nhà máy chế biến nông sản có công suất đạt 10.000 tấn mỗi năm. Ảnh: T.U

Ngày 23-6, mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu với tổng chi phí đầu tư đạt gần 7 tỷ đồng đã được tiến hành. Trong đó, kinh phí Khuyến công Quốc gia chiếm 350 triệu đồng, cùng vốn tự có của doanh nghiệp là 6,602 tỷ đồng. Thành phần sử dụng trong mô hình chế biến hồ tiêu gồm: tiêu đen 500 gram/lít; tiêu đen có dung trọng từ 520-590 gram/lít; tiêu trắng dung trọng 630 gram/lít áp dụng trên dây chuyền có công suất chế biến từ 3.500-5.000 tấn/năm. Tiêu đổ vào khoang máy trải qua 5 bước hút bụi, sàng phân loại, đánh bóng, chiếu tia cực tím vô trùng. Sau đó, tiêu sẽ đi qua khoang kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu. Kết thúc quy trình, hạt tiêu thành phẩm cho chất lượng cao với hạt chắc, đều hạt và thơm hơn. Tiêu thành phẩm có độ ẩm 12,6/ 100 gram (độ ẩm tiêu chuẩn không vượt quá 13,5%), đạt yêu cầu xuất khẩu về độ ẩm. Hiệu quả kinh tế của dây chuyền chế biến hồ tiêu công suất cao được các chuyên gia trong ngành nhận định: Sẽ tạo ra doanh thu bình quân cho doanh nghiệp là 250 tỷ đồng/năm; tạo ra một khoản giá trị gia tăng và giá trị lượng hàng hóa cho tỉnh hàng năm là 3.500 tấn tiêu/năm. Từ đó đóng góp một khoản thuế đáng kể cho nguồn thu địa phương; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động địa phương.

Ông Trần Đắc Lực-Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Chư Prông, nói: “Hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương không những giúp kinh tế huyện nhà đi lên mà còn tạo sự hăng say gia tăng sản xuất cho bà con nông dân. Bởi, bà con đã có nơi an tâm thu mua với giá cả ổn định, sẽ không còn tình trạng để hàng trôi nổi, thương lái ép giá. Huyện chúng tôi rất phấn khởi”.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.