Mênh mang sông nước Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có một vùng bao la trời nước, phong phú thủy sản nuôi lồng, đánh bắt tự nhiên. Ở đó, làng có 34 hộ dân, chia làm 5 xóm nhỏ, “giao lưu” với nhau bằng những chiếc ghe chèo tay hoặc chiếc xuồng gắn máy xinh xinh.

Làng còn kinh doanh nhà hàng, du lịch sông nước… Đó là làng chài nơi đầu nguồn sông Pô Cô, trên lòng hồ thủy điện Sê San 4.

Từ TP. Pleiku, vượt quãng đường nhựa dọc những khu dân cư, cánh rừng cao su, cà phê, điều… chúng tôi đến với hồ thủy điện Sê San 4. Dừng chân nơi bến đò (thuộc thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum), đón chúng tôi là 2 chiếc xuồng composite đuôi gắn máy, có mái che, băng ghế đặt ngang khá tinh tươm chuyên làm du lịch sông nước. Ổn định chỗ ngồi, áo phao buộc dây, 2 chiếc xuồng song song rẽ sóng.

Nhà bè trên lòng hồ Sê San. Ảnh: Lê Hà

Nhà bè trên lòng hồ Sê San. Ảnh: Lê Hà

Chớm trưa ngày khô tạnh, nắng gió chan hòa. Giữa mênh mang mặt hồ, trời xanh lồng bóng nước, xuồng đưa chúng tôi lướt sóng băng băng. Những hạt nước li ti bắn lên khắp người mát lạnh.

“Chúng ta đang du thuyền trên sông nước miền Tây!”-ai đó reo lên. Ngang qua mắt tôi là dãy núi với rừng nguyên sinh, rừng thông tái sinh đầu nguồn, vườn điều men theo bờ hồ nghiêng nghiêng ngời dịu nắng. Chốc chốc, những chiếc vó bè, vó lưới đánh bắt thủy sản hiện ra, lùi dần. Nắng gió Tây Nguyên mùa khô như tan biến, chỉ còn lại những dát vàng lấp lánh đuổi nhau trong mênh mông trời nước.

Sau chừng 30 phút thư thái trên lòng hồ, chúng tôi bước vào nhà bè nổi Hai Triều. Thì ra chủ nhân lại là 1 trong 2 người cầm lái-anh Nguyễn Văn Triều. Giọng miền Tây êm nhẹ, người đàn ông chừng 45 tuổi mà sự cường tráng hiện rõ trên gương mặt, làn da, cơ bắp đưa chân chúng tôi tham quan cơ ngơi nổi trên mặt hồ rộng hơn 50 m2, phần lớn diện tích dùng làm nhà hàng. Hành lang nhà có mấy khóm hoa tươi dập dềnh khoe sắc.

“Chúng tôi đến từ các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Long An, Bình Phước, Cà Mau, Thừa Thiên-Huế. Chính thức “lập làng” từ năm 2014, gồm 34 hộ (thuộc thôn 7, xã Ia Tơi). Người dân thôn 7 bầu tôi làm Trưởng thôn suốt từ đó đến nay”-anh Triều tâm sự.

Anh Triều còn cho biết: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đang hướng dẫn và hỗ trợ vật tư làm lồng nuôi cá, con giống để bà con làng chài nuôi cá hô, cá lăng, cá chình... Hoạt động kinh doanh nhà hàng nổi ở mỗi xóm đều có giấy phép kinh doanh, tên gọi chung là Hợp tác xã Sê San. Việc học tập của con trẻ luôn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia HDrai quan tâm tạo điều kiện.

Mênh mang sông nước Pô Cô. Ảnh: Lê Hà

Mênh mang sông nước Pô Cô. Ảnh: Lê Hà

Sau bữa cơm trưa với đặc sản cá nước ngọt chế biến theo phong cách ẩm thực miền Tây, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình sông nước chừng 30 phút đến với thác Mơ (xã Ia Khai, huyện Ia Grai).

Lên bờ, đoạn đường mòn đi bộ len rừng, men triền núi không mấy vất vả, chẳng xa, lại đẹp và thú vị. Vào rừng, không khí thêm trong lành. Mùi đất, mùi cỏ cây… như giục ta hít một hơi đầy lồng ngực để thu trọn luồng sinh khí. Hòa âm nhạc rừng từ gió thoảng, lá rung, cành vẫy, chim ca, vẳng vang tiếng thác đổ dường như xua tan ưu phiền, mọi giác quan dần thả lỏng theo bước chân. Các loại cây rừng, tre nứa như dập dềnh theo dòng thác đổ.

Thác Mơ không rộng lắm, đến gần vẫn hiền hòa, thơ mộng chỉ một cột nước không quá cao buông mình trắng lóa. Nước va vào vách đá lấp loáng ánh cầu vồng nghiêng nghiêng nắng chiếu.

Thác Mơ đầu nguồn, mênh mông lòng hồ, nhà hàng làng nổi, mô hình nuôi cá lồng… quả đúng là chuỗi điểm đến thú vị cho một miền sông nước giữa Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm