"Mảng màu riêng" của du lịch nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xác định được lợi thế khác biệt của không gian nông nghiệp với nhiều sản vật và văn hóa đặc sắc, thời gian qua Gia Lai đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hấp dẫn, cũng như triển khai nhiều hoạt động cụ thể để tạo ra sản phẩm khác biệt, có mảng màu riêng, có đủ sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch nông nghiệp cả nước.

Mạnh tay đầu tư nhiều mô hình

Nằm trên đồi ở thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) với diện tích hơn 15ha, mô hình trang trại của ông Nguyễn Chất Sâm là một sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng. Theo đó, giữ nguyên cảnh quan đặc trưng từ địa hình đồi núi, mô hình tạo một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ với hàng nghìn cây ăn quả đặc sản: sầu riêng, bơ booth, măng cụt... Đây còn là mô hình trải nghiệm có tác dụng giáo dục để trẻ hiểu về cội nguồn của một dân tộc có nền “văn minh lúa nước” lâu đời trên Tây Nguyên.


 

Không gian nông nghiệp tại huyện Phú Thiện. Nguồn: ITN
Không gian nông nghiệp tại huyện Phú Thiện. Nguồn: ITN


Hay khi đến với mô hình du lịch nông nghiệp “Một ngày làm nông dân” ở Farm Mẹ Thu (làng Đê Hóch, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa), du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động thu hoạch hồ tiêu, cà phê, sầu riêng… và tìm hiểu nông nghiệp hữu cơ. Sự thành công của Farm Mẹ Thu đã lan tỏa cách làm du lịch nông nghiệp cho người dân trong vùng, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp ở vùng nông thôn Đê Hóch.

Cũng tại Đak Đoa, Trang trại sản xuất cà phê hữu cơ ở xã Nam Yang thu hút đông đảo du khách đến tham quan, học hỏi về quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn thế giới. Sau khi trải nghiệm thực tế, khách du lịch được thưởng thức sản phẩm ngay tại chỗ hoặc mua về làm quà. Trong quá trình trải nghiệm, du khách còn có cơ hội trò chuyện với nông dân là những người bản địa làm việc tại trang trại để hiểu hơn về văn hóa, lối sống, ẩm thực đặc trưng.

Với lợi thế trang trại cà phê rộng gần 50ha ở xã Chư HDrông được cấp chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, EU và Hàn Quốc, Nông trại Vĩnh Hiệp là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu. Từ vùng nguyên liệu đến các sản phẩm cà phê là một quy trình làm nông nghiệp hiện đại kết hợp chặt chẽ với tinh hoa tri thức bản địa. Cùng với việc tham gia trồng cà phê Organic của các nông hộ vệ tinh, quy trình “Sạch từ nông trại đến ly cà phê” và triết lý văn hóa thưởng thức cà phê mới của người Việt đã hấp dẫn du kháchđến trải nghiệm.

Tạo ra sản phẩm khác biệt, có sức cạnh tranh

Du lịch nông nghiệp đã và đang giúp người nông dân thay đổi tư duy và hoạt động sản xuất truyền thống, kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Xác định được thế mạnh và tầm quan trọng này, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để tạo ra sản phẩm khác biệt, riêng có đủ sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch nông nghiệp cả nước.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết chương trình phối hợp với 6 nội dung trọng tâm về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chỉ rõ thế mạnh của từng ngành trong thúc đẩy du lịch vùng nông thôn như triển khai các hoạt động quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm tiêu biểu. Đồng thời, lựa chọn một số “làng vệ tinh” có điều kiện thuận lợi về nông nghiệp, bản sắc văn hóa độc đáo để khảo sát, định hướng cho địa phương xây dựng các mô hình du lịch nông thôn phù hợp.

Những thành tựu nổi bật của Chương trình OCOP tại Gia Lai những năm qua cũng là cơ sở quan trọng mở ra “con đường mới” cho du lịch nông nghiệp. Hiện, Gia Lai đã xây dựng 149 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao cấp tỉnh. Chương trình OCOP đã và đang định vị các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, giúp nhận diện bản sắc văn hóa đặc thù, tính địa phương. Nhiều sản phẩm đồng thời là những chỉ dẫn địa lý khi nâng tầm lợi thế địa phương như gạo Phú Thiện, khoai Lệ Cần, cà phê Đak Yang-honey, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, bò một nắng Krông Pa...

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, cùng với việc tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa các bên là nông dân, doanh nghiệp lữ hành, các địa phương, cơ quan quản lý của 2 ngành du lịch và nông nghiệp; cũng cần chú trọng vào chiến lược quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng nhấn vào đặc thù để du khách thấy được sự thú vị, khác biệt, từ đó kích thích trải nghiệm.

Theo Vân Phi (NDĐT)

 

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.