Tết Nguyên Đán là dịp để dịp đoàn tụ gia, mọi người cùng trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, có nhiều điều kiêng kỵ mà ông bà thường nhắc nhở con cháu. Đằng sau những điều kiêng kỵ ấy là nhiều câu chuyện vô cùng thú vị.
Không được quét nhà trong ngày mùng 1
Tục lệ này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc, được ghi chép trong "Sưu thần ký". Có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Sau khi đem Như Nguyệt về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, trở nên giàu có
Một hôm, vào ngày mồng một Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó về sau, nhà Âu Minh lại nghèo. Người ta đồn rằng, Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ.
Quan niệm dân gian có tục kiêng quét nhà vào ngày đầu năm (ảnh minh họa) |
Bắt nguồn từ câu chuyện đó, người Việt có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm do sợ “lỡ tay” đổ mất thần tài, làm ăn sẽ không phát đạt. Cũng chính vì có tục lệ này nên vào ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng cố gắng dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi.
Về sau này, có 1 cách giải thích sát với thực tế hơn. T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Việc không quét nhà thực ra chỉ là cái cớ để người lao động có 1 ngày hoàn toàn nghỉ ngơi sau cả năm trời làm việc vất vả. Những tích truyện chỉ là do người ta nghĩ ra như một cách “bao biện” vui vẻ cho việc không quét nhà ngày đầu năm”.
Tích truyện này cũng có thể lý giải cho việc nhiều người hay đặt ông thần tài ở xó cửa. Trong dân gian quan niệm rằng, tiền thường qua tay nhiều người nên dính rất nhiều bụi bặm. Chính những thứ bụi đó sẽ mang lại tiền tài, vận may cho gia chủ.
Vì thế khi thờ thần tài, người ta không bao giờ để ở nơi sạch sẽ mà thường để ở xó cửa hoặc những nơi dễ bám bụi, như vậy mới có thể rước lộc vào nhà.
Tránh cho lửa
Lửa mang ý nghĩa duy trì dương khí, đem lại sự ấm áp cho gia đình. Cho lửa cũng đồng nghĩa với việc cho đi may mắn, hạnh phúc, tài lộc. Trong quan niệm dân gian, nhiều người vẫn gọi là “mất lộc”.
Có nhiều quan niệm khác nhau về việc cho lửa. |
Bên cạnh đó, nhiều người lại cho rằng, việc cho lửa có thể đem lại tai họa, điềm vận xui xẻo cho người khác. Nếu trong năm đó, nhà gia chủ có điều không may xảy ra thì người cho lửa vào ngày đầu năm sẽ dễ bị “đổ tội”.
Xông nhà đầu năm
Trước tết, gia chủ thường chọn những người hợp tuổi với mình, làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn trong năm cũ để nhờ đến xông nhà. Như vậy, người xông nhà sẽ đem vía tốt, mang lại may mắn của mình đến cho gia chủ. Đó là ý nghĩa về mặt tâm linh.
Tuy nhiên, ẩn sau ý nghĩa về mặt tâm linh là lớp nghĩa của đời sống mà không mấy ai nhìn ra. Những người được mời đến xông nhà đều là những người vô cùng thân thiết, có tình cảm trân quý nhau. Hành động mời nhau xông nhà sẽ càng kết nối mối thân tình, làm tình cảm bạn bè thêm bền vững.
T.S Đinh Đức Tiến chia sẻ: “Tuy nhiên, nếu có trường hợp người đến xông nhà không phải là người hợp tuổi mình thì cũng không nên quá lo lắng, bởi đây cũng chỉ là quan niệm trong dân gian”.
“Nhiều người có tư tưởng cực đoan, thậm chí khi người xông nhà vừa về liền đốt vía hoặc nhờ thầy cúng dâng sao giải hạn. Đây là những hành động không hay và đi ngược với văn hóa. Nếu cứ ám ảnh vì điều này, vô tình chính gia chủ sẽ gặp những điều không may hoặc mất đi tình cảm bạn bè, anh em”.
Không xuất hành ngày mùng Một
Trong quan niệm dân gian, ngày mùng Một là ngày “sát chủ”. Khi đến nhà người khác vào ngày đầu năm, người khách có thể vô tình mang lại xui xẻo cho gia chủ.
Người Việt thường dành trọn ngày đầu năm cho gia đình. |
Người Việt thường quen với phong tục “Mùng 1 tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy”, tức những ngày đầu năm chỉ nên dành cho gia đình, họ hàng.
GLO (s.t)