(GLO)- Có thể nói, Pleiku đang “bội thực” với các shop thời trang khi hàng ngày hàng giờ lại mọc thêm shop mới, nhất là khi mùa Tết đang đến gần. Điều đó không có gì đáng nói nếu những sản phẩm được bày bán tại đây có giá thành hợp lý với chất lượng. Song qua khảo sát, không khó để nhận thấy phần nhiều các loại váy áo, dù được gắn trên mình nhãn mác hàng hiệu nhưng thực tế là hàng nhập từ các xưởng ở Quảng Châu (Trung Quốc), thậm chí được nhập từ… Trung tâm Thương mại Pleiku.
Nếu trước kia, chỉ có đường Phan Đình Phùng là được người ta “phong” cho danh xưng Phố… thời trang bởi mật độ khá dày của các shop quần áo, giày dép thì giờ đường nào trên địa bàn thành phố cũng xứng đáng được gắn danh xưng ấy. Và để cạnh tranh, shop nào cũng trưng biển “Hàng mới về”, “Giảm giá shock”, “Hàng hiệu giá rẻ”… Xét về mẫu mã, các sản phẩm thời trang tại đây khá đa dạng về mẫu mã, hầu hết là ăn theo các xu hướng thời trang đang thịnh hành trên thế giới (hot trend). Giá cả nhẹ nhàng, mức mà một người có thu nhập trung bình cũng có thể mua được. Riêng về xuất xứ, hầu hết các chủ shop đều khẳng định chắc nịch: “Là hàng Việt Nam xuất khẩu”.
Hàng Quảng Châu (đường Nguyễn Thiện Thuật, TP. Pleiku). Ảnh: H.D |
Khi hàng chợ “hô biến” thành hàng hiệu
Theo cách hiểu của đa số người tiêu dùng, hàng hiệu là hàng được sản xuất từ nước ngoài với các nhãn hiệu danh tiếng và thường nghe, được giới nhiều tiền (“sao” hoặc các doanh nhân) ưa dùng như: Marc Jacobs, Chanel, Versace, Gucci, Bebe, Zara, BCBGMAXAZRI… Hàng hiệu loại này có giá rất đắt, một công chức bình thường khó mua được. Nhưng còn một loại khác cũng là “hàng hiệu” nhưng giá mềm hơn chính là hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK). Thời trang VNXK là các sản phẩm thời trang chính hãng được gia công tại Việt Nam sau đó xuất khẩu đi các nước Châu Âu, EU, Mỹ... Tất cả các sản phẩm VNXK có chất lượng rất cao vì nguyên-vật liệu, quy trình, tiêu chuẩn đều được đưa từ chính quốc sang.
Chị Hằng- một người bán quần áo lâu năm trên đường Đinh Tiên Hoàng cho biết: Hàng VNXK có hai loại, một là hàng VNXK xịn, tức là hàng VNXK đi do nhà máy ký được hợp đồng, tự gia công, nguyên phụ liệu tự sản xuất, và thường là những nhãn hàng của 1 số nhà máy Việt Nam sở hữu. Loại nữa là do các hãng nước ngoài thuê nhân công Việt Nam gia công và loại này không được phép bán ở Việt Nam. Muốn bán loại này, Việt Nam phải… nhập khẩu lại từ nước ngoài, vì thế giá rất cao (do chịu thuế xuất khẩu rồi lại nhập khẩu, chi phí vận chuyển…). Có một ít sản phẩm sau khi gia công nhưng không được xuất đi như hàng mẫu, hàng lỗi, hàng tồn kho… Và số ít hiếm hoi ấy được tuồn ra ngoài và tiêu thụ trên thị trường.
Điều đó có nghĩa là hàng VNXK đích thực, dù là loại nào cũng không nhiều cơ hội “góp mặt” ở các shop đang mọc lên như nấm hiện nay. Sự lên ngôi của quần áo VNXK kéo theo một thực trạng dễ hiểu là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trà trộn vào các shop dưới “lốt” made in Vietnam. Chị Huỳnh Thị Kim Yến (256 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ), nạn nhân của đồ made in Vietnam “nhái” bức xúc: “Mình vẫn nghĩ tiệm lớn thì không có đồ nhái, ai ngờ… Mới mua cái quần jean gần 800 ngàn đồng nè, nó (nhân viên bán hàng) khẳng định là hàng VNXK, về giặt nước đầu thấy ra màu, nước 3 là quần dão ra, bạc màu rồi. Một lần vô tình thấy ở shop khác, cũng loại quần như vậy lại treo giá 500 ngàn đồng. Tệ hơn, có người nói trong chợ (Trung tâm Thương mại Pleiku-P.V), cái quần y chang vầy bán có 250 ngàn đồng”.
Một chủ sạp quần áo trong Trung tâm Thương mại cười lớn khi được hỏi: Người dân giờ chuộng hàng hiệu bày bán trong các shop, vậy hàng tại chợ có bán được không? Chị cho hay: “Hàng trong shop phần nhiều là… từ đây ra chứ đâu. Mà tui thì lấy hàng ở Quảng Châu-Trung Quốc. Hàng Tàu giá rẻ, mẫu mã đẹp, chỉ cần lấy về, chịu khó lựa ra cái nào ngon lành một chút, đường chỉ sắc sảo một chút, gắn mác made in Vietnam là ok. Tui bỏ mối cho mấy shop ở đây mà”. Chị cho biết thêm, cũng có shop kỹ tính hơn, vào chợ An Đông (TP. Hồ Chí Minh) để lựa chọn từng mẫu một, vừa ít đụng hàng mà chất lượng hơn một chút. Vì đồ ở đây, người ta cũng đã chịu khó… gia công lại rồi. Với nhãn mác đủ các thương hiệu được bán tràn lan tại các tiệm bán phụ liệu may mặc thì việc “hô biến” một cái áo hàng Tàu thành hàng VNXK là chuyện “nhỏ như con thỏ”.
Minh chứng là “hàng hiệu” với những Zara, Gucci, Chanel, Bebe… được treo đầy trên các shop-di-động ở đường Nguyễn Thiện Thuật, trước Trung tâm Thương mại.
Người tiêu dùng phải biết bảo vệ túi tiền của mình
Mặc dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực, thế nhưng khi được hỏi nếu mua phải hàng kém chất lượng, không đúng với thông tin ghi trên nhãn mác hàng hóa, họ sẽ làm gì thì đa số tỏ ra buông xuôi: Mua phải hàng nhái thì đành chịu, chứ cái quần có 800 ngàn đồng, đi kiện có khi tốn tiền nhiều hơn mà mất thời gian, có khi lại chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tâm lý đa số người là như thế nên để tránh “sập hầm”, cách duy nhất là người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, hàng VNXK thường có mác vải in trên cổ áo, chất liệu tốt, đường may chuẩn và thường có code trên mác đính bên trong sản phẩm. Đường vắt sổ của hàng VNXK cũng dễ thấy là khác so với hàng thường khi đường vắt bao hết mép vải. Hàng nhái thường đường vắt sổ rất ẩu, thậm chí không có. Và tốt nhất là nên chọn những shop có uy tín, thường là các đại lý của các thương hiệu của Việt Nam. Và người tiêu dùng cũng nên biết rằng, họ có quyền được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa họ mua. Nếu mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng có thể làm đơn kiện đến Hội và Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương.
Hà Duy