(GLO)- Năm 2005, UBND huyện Ayun Pa (trước đây) có chủ trương giải tỏa khu vực xay xát lương thực và sân phơi nông sản tại sân bay cũ để giao cho quân đội quản lý. Khi giải tỏa khu vực này, nhiều hộ dân không có nơi phơi nông sản.
Lò sấy nông sản “đắp chiếu” gần 8 năm. Ảnh:Nguyễn Tú |
Trước tình hình này, UBND huyện Ayun Pa có chủ trương cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Lợi đóng tại thị trấn Ayun Pa (trước đây) xây dựng lò sấy nông sản để giải quyết nhu cầu của nhân dân. Theo đó, Phòng Kinh tế huyện Ayun Pa và HTX Nông nghiệp Phú Lợi được giao làm chủ đầu tư công trình với tổng kinh phí là 180 triệu đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề năm 2005 là 100 triệu đồng, 80 triệu đồng còn lại là vốn đối ứng của HTX Nông nghiệp Phú Lợi trích từ số tiền đóng góp của 500 xã viên. Lò sấy được xây dựng trong khuôn viên trụ sở HTX theo công nghệ đảo thủ công, đốt bằng than đá, công suất 8-10 tấn/ca. Trong quá trình xây dựng, công trình phát sinh thêm các hạng mục như tường bao, lối đi, đường điện khiến kinh phí đẩy lên là 211.486.000 đồng.
Tháng 11-2006, lò sấy nông sản được xây dựng xong. Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức nghiệm thu, ký bàn giao HTX Nông nghiệp Phú Lợi quản lý và khai thác. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng đã xảy ra nhiều vướng mắc khiến lò sấy “đắp chiếu” 8 năm nay. Trong khi đó, cứ đến vụ thu hoạch nông sản, người dân lại lấn chiếm lòng đường phơi nông sản gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Dư luận cho rằng nguyên nhân là do lò sấy áp dụng công nghệ lỗi thời. Đồng thời, cùng thời điểm xây dựng xong lò sấy, khu vực sân bay được phép phơi nông sản trở lại, do đó nông dân không mặn mà với lò sấy.
Thiếu lò sấy, dân phơi lúa trên đường lộ. Ảnh: Nguyễn Tú |
Một nguyên nhân khác, tháng 4-2007, huyện Ayun Pa chia tách thành lập thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện và Ia Pa. UBND thị xã Ayun Pa quy hoạch một phần đất HTX Nông nghiệp Phú Lợi làm khu dân cư và xây dựng trụ sở UBND phường Hòa Bình. Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Phú Lợi tổ chức hội nghị xã viên, đồng ý cắt 4.400 m2 đất trong tổng số 10.505 m2 đất của HTX được UBND tỉnh cấp để giao với mục đích xây trụ sở và Trạm Y tế phường Hòa Bình. Điều đáng nói, phần đất trụ sở và Trạm Y tế phường Hòa Bình liền kề với khu vực đặt lò sấy. Thực tế nảy sinh yêu cầu chuyển lò sấy đi nơi khác để tránh gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
Theo ghi nhận của P.V, lò sấy nông sản đã nhiều năm không hoạt động khiến hệ thống mái che và khung sắt rỉ rét, tường bao xuống cấp nhiều vết nứt. Trong khu vực nhà lồng, nhiều bao bì chất cao không theo hàng lối nhất định. Theo Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Lợi, sau khi hoàn thành, lò sấy gần như không hoạt động. Ủy ban Nhân dân thị xã đã có công văn bàn giao lò sấy nông sản lại cho HTX Nông nghiệp Minh Hòa (thị xã Ayun Pa). Trong thời gian này, đơn vị cho một công ty thuốc lá thuê làm kho chứa hàng.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Liêm-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Minh Hòa cho biết: Khoảng 3-4 năm trước, UBND thị xã có văn bản chuyển lò sấy lại cho HTX Nông nghiệp Minh Hòa nhưng bên chúng tôi không nhận bàn giao vì công nghệ lò sấy đã lạc hậu, không phù hợp với nhu cầu hiện nay.
Được biết, trên địa bàn thị xã Ayun Pa có khoảng 5-6 lò sấy, mỗi mẻ sấy 5 đến 10 tấn, phục vụ nhu cầu sấy lúa, bắp, đậu… cho nhân dân tại thị xã và các huyện lân cận. Nhu cầu sấy nông sản của người dân rất cao, nhất là trong thời điểm thu hoạch vụ mùa trúng vào mùa mưa. Trong khi đó, lò sấy nông sản này hoạt động không hiệu quả trong một thời gian dài gây lãng phí tiền của Nhà nước và 500 xã viên nơi đây. Trong các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội và HĐND thị xã, nhiều cử tri yêu cầu các ngành liên quan có biện pháp cụ thể sử dụng có hiệu quả và sinh lời nguồn vốn do chính công sức lao động của xã viên đã đóng góp.
Nguyễn Tú