Lễ hội đầu năm ở Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa xuân, mùa lễ hội tưng bừng trên đất nước ta. Trên đất võ Bình Định, ''Tháng ăn chơi'' bắt đầu từ ngày mồng một Tết.
 

 

Ở Quy Nhơn, ngày mồng một Tết có một phong tục lạ, không ra lễ, cũng chẳng hội, nhưng tính chất của nó thì rất thành kính mà hầu như gia đình nào cũng có người tham gia. Nhiều gia đình còn đi cả nhà để lấy may, lấy phước. Từ tinh mơ ngày mồng một, người ta không đi chúc Tết nhau mà đi lên nghĩa trang thắp hương, cúng bái người thân yên nghỉ tại đây.

Dưới chân núi Vũng Chua thuộc phường Quang Trung có mấy nghĩa trang, nghĩa địa lớn: nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang cán bộ, nghĩa trang nhân dân, nghĩa địa Công giáo, nghĩa địa Phật giáo liền kề nhau. Người đi tảo mộ đông đúc, vui vẻ. Người đến dâng hương dưới chân tượng ông Tam Tạng cao gần chục mét, dâng hoa quả, bánh trái rồi hái lộc cầu may. Có năm đúng mồng một tốt ngày, vùng nghĩa trang thật là "Người xe như nước áo quần như nêm". Xe máy, xe đạp để dọc đường dài ngót cây số. Cũng có đông hàng quán, một số trò vui chơi giải trí nhẹ nhàng. Có thể gọi đây là "lễ hội tảo mộ" chăng?
 

 

Cách Quy Nhơn khoảng non mười cây số, cũng sáng mồng một Tết có lễ hội Chợ Gò ở thị trấn Tuy Phước tổ chức họp chợ, mua bán đầu năm lấy may mắn cho cả năm. Việc mua bán chỉ tượng trưng, đi hội vui là chính, trai gái đi hội Chợ Gò để chen chân, liếc mắt tìm bạn tình. Tuổi niên thiếu rủng rẻng tiền lì xì thì đi mua đồ chơi, đồ ăn thức uống. Người có tuổi tham dự các môn cờ tướng, đá gà... Lễ hội Chợ Gò có trên dưới 300 năm. Tương truyền, hai vị tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy quân đóng tại khu vực này. Ngày Tết, hai ông đã cho mở hội Chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi, cho vơi đi nỗi nhớ gia đình.

Lễ hội Chợ Gò ngày nay có phần lễ trang trọng và phần hội vui tươi. Các trò chơi dân gian được tổ chức: múa lân, chọi gà, cờ tướng, đá cầu, đập niêu, kéo co... bây giờ thêm đi xe đạp chậm nữa. "Chợ mang nét đẹp vùng Tuy Phước / Họp một ngày thôi vui suốt năm" (Chợ Gò - thơ Nguyễn Văn Chương).

Xong hội Chợ Gò, ngay ngày hôm sau, mồng 2 Tết, bạn đến với hội đua thuyền ở Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, quê ngoại của nhà thơ lớn Xuân Diệu. Gò Bồi bên sông Gò Bồi, có cửa thông ra đầm Thị Nại. Trai gái đội đua thuyền của các thôn trong xã và cả các xã bạn cùng đến thi tài trên sóng nước bằng những chiếc thuyền thúng, thuyền thoi nhỏ nhẹ lao vun vút giữa tiếng reo hò cổ vũ của hàng ngàn công chúng đôi bờ.

 

 

Mồng 5 Tết, chẳng nói thì ai cũng biết và cũng háo hức đi lễ hội lớn nhất của quê hương: Hội Đống Đa. Từ mồng 4 Tết, người từ nơi xa như ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Phú Yên và các thuyền phía Bắc tỉnh đã đổ về Phú Phong vui chơi. Đêm ấy người ta được thưởng thức tiết mục của các đoàn nghệ thuật tuồng, dân ca kịch và văn nghệ địa phương.

 
 

Mọi người tham quan Nhà Bảo tàng tầm cỡ quốc gia với hàng ngàn hiện vật quý về các lãnh tụ nghĩa quân và phong trào Tây Sơn, xem biểu diễn võ thuật và "điệu luân vũ trên 12 mặt trống" của nghệ sĩ - võ sĩ Nguyễn Thị Thuận, xem đua thuyền trên sông Côn, thăm bến Trường Trầu và nhiều di tích lịch sử quanh Bảo tàng.
 

 
 

Cũng mồng 5 Tết tại huyện Phù Mỹ, bên quốc lộ 1 diễn ra lễ hội chiến thắng Đèo Nhông. Nơi đây cũng vào một cái tết cũ, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại quân chúa Nguyễn thì mồng 5 Tết năm 1965, quân và dân ta đã đánh bại "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ngụy, diệt 2 tiểu đoàn và 10 xe bọc thép của địch. Lễ hội Đèo Nhông tổ chức quanh tượng đài chiến thắng với nhiều trò vui chơi phong phú, hấp dẫn.
 

 

Ngày 12 tháng Giêng, người Bình Định đi lễ vía chùa Ông ở thị xã An Nhơn (Bình Định). Lễ tuy không tổ chức linh đình nhưng không vì thế mà kém phần thành kính bởi lòng sùng bái, ngưỡng mộ của các cụ ông cụ bà đối với ngôi chùa này.
 

 

Ngày 15 tháng Giêng, cùng với cả nước, lễ hội Thơ Nguyên tiêu được tổ chức tại Đồi Thi Nhân cạnh mộ Hàn Mặc Tử ở thắng cảnh Ghềnh Ráng. Người yêu thơ quây quần dưới lá cờ Thơ, ngâm đọc, diễn xướng thơ dưới ánh trăng đầu Xuân, nghe biển dưới chân cùng hòa âm rì rào sóng vỗ. Lễ hội thơ Nguyên tiêu rồi sẽ trở thành thông lệ và dần dà thành truyền thống đẹp trong dòng chảy thi ca.

Xong ngày hội Thơ, nhiều người vội về để sớm mai đi lễ hội vía Bà, được tổ chức vào ngày 16, 17 ở phố chợ Cảnh Hàng thuộc xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn. Miếu Bà nho nhỏ, dân dựng lên để thờ một người phụ nữ có nhiều ân phúc với đời tên là Đỗ Thị Tân sống một mình trong túp lều tranh cách nay khoảng 3 thế kỷ. Bà không lập gia đình, suốt đời tận tụy với công việc cứu giúp cho người ta sinh nở "mẹ tròn con vuông" mà không đợi trả ơn. Đêm 16 rạng ngày 17 tháng Giêng, bà lặng lẽ "quy tiên". Dân làng nhớ ơn đức của Bà, lập miếu thờ và tổ chức lễ hội vía Bà hàng năm vào ngày bà mất. Sau giờ hành lễ vào 11 giờ đêm, các cuộc văn nghệ, thể thao, vui chơi... kéo dài cho đến khi mặt trời mọc. Cuộc vui tiếp tục cả ngày lẫn đêm 17 với màn "chưng cộ" và đốt pháo bông rực rỡ.

 

 
 

Cũng ở thị xã An Nhơn, làng Phương Danh thuộc phường Đập Đá có hàng chục nghề thủ công truyền thống: rèn, tiện, đúc, dệt vải, chăn tằm... việc lễ hội cúng tổ nghề bắt đầu từ 21 tháng Giêng với nghề dệt trước. Kế đến là giỗ tổ nghề rèn vào ngày 21 tháng 2 rồi lần lượt đến các nghề khác. Sau màn hương khói cúng tế theo phần lễ nghi trang trọng, phần hội trong các ngày giỗ tổ nghề đều rất vui tươi, thoải mái. Người ta coi hát tuồng, thi văn nghệ, xem diễn võ, thi kéo co, đánh gậy...
 

 

Cư dân ven biển lần lượt tổ chức các lễ hội Nghinh Ông từ tháng 2 đến tháng 4 mở đầu mùa đi biển. Khắp từ Hoài Hương, Tam Quan (Hoài Nhơn) đến Mỹ Tài, Mỹ Lộc (Phù Mỹ), Cát Khánh, Đề Gi (Phú Cát) vào đến các phường Tân Phú, Hải Cảng (Quy Nhơn)... đâu đâu người ta cũng cúng tế, rước xách, hát xướng linh đình tại các Lăng Ông mà xã biển nào cũng có. Đấy là những ngôi miếu thờ các bộ xương cá voi chết dạt vào bờ từ nhiều năm. Có miếu thờ đến ngót hai chục bộ, xương cá voi được đặt trong tủ kính, lót vải điều cẩn thận.
 

 

Những nơi diễn ra lễ hội, đặc biệt là lễ hội giỗ tổ nghề, lễ hội Lăng Ông, các tệ nạn xã hội không hề có. Ai vi phạm những điều ấy là có lỗi nặng với tổ tiên và bị cả cộng đồng lên án. Bởi thế, các lễ hội mùa Xuân trên đất Bình Định thường rất văn hóa, vui vẻ và trang trọng.

Hà Thanh (st)

Có thể bạn quan tâm

Du xuân trên biên giới

Du xuân trên biên giới

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.
Đi chợ tết Lao Chải

Đi chợ tết Lao Chải

Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; nơi phía nào cũng đối mặt với non xanh mây trắng. Còn ở phía bên kia cao nguyên đá, những cây ngô vừa bật mầm, những cây rơm lùn vàng sậm đẹp như tranh.
Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

(GLO)- Đã thành truyền thống, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của ngư dân Cửa Tùng lại diễn ra tạo khí thế hào hứng, sôi nổi dịp đầu Xuân. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Trẩy hội đường hoa…

Trẩy hội đường hoa…

(GLO)- Tết này, Pleiku thốt nhiên chuyển mình trở lạnh trong cái nắng vàng tươi rực rỡ. Trời thốt nhiên trong hơn, gió thốt nhiên dịu dàng, thơm màu no ấm. Vào mỗi sáng sớm hay khi muộn chiều, chút se lạnh đến nao lòng ùa về-cái lạnh đủ để cho mỗi chúng ta hòa mình vào phố trong hơi ấm tình thân. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bỗng trở nên khoáng đạt hơn, rộng dài hơn, tươi mới hơn trong ăm ắp nói cười, trong rực rỡ sắc hoa. Là bởi, nơi này đã và đang trở thành một trong những điểm du Xuân không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, năm nào khu vực Quảng trường cũng được dành riêng cho việc tổ chức đường hoa.