Lễ hội Cầu ngư 2023 sẽ là ngày hội của người dân và du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau gần 15 năm tổ chức với quy mô cấp thành phố, năm nay Lễ hội Cầu ngư 2023 ở tỉnh Bình Thuận được tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng và nhiều hoạt động đặc sắc hơn.
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Tối 5/8, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Lễ hội Cầu ngư năm 2023 đã chính thức được khai mạc với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc.

Đây là hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận-Hội tụ xanh”, do Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Thiết tổ chức.

Sau gần 15 năm tổ chức với quy mô cấp thành phố, năm nay Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng và nhiều hoạt động đặc sắc hơn. Phần lễ sẽ diễn từ ngày 5-8/8 với các nghi lễ truyền thống như Lễ rước Lệnh Ông Sanh từ Hòn Lao vào cửa Cồn Chà đến cầu Dục Thanh và hai bên tuyến đường dọc sông Cà Ty, lễ phóng đăng tại sông Cà Ty…

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là phần hội với không gian hội chợ trưng bày, triển lãm, ẩm thực tại đường Trưng Trắc với sự tham gia của 180 gian hàng bày bán, giới thiệu: hàng mỹ nghệ, cây cảnh trang trí, sản phẩm nông nghiệp, lương thực, thực phẩm; hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu, sản phẩm làng nghề của một số tỉnh, thành trong cả nước và nhất là quảng bá các sản phẩm OCOP của Bình Thuận như thanh long, nước mắm, hải đặc sản tươi, khô… Ngoài ra, phần hội còn diễn ra các hoạt động như hội thi chèo, lắc thúng, hội hô bài chòi, biểu diễn nghệ thuật...

Lễ hội Cầu ngư mang bản sắc đặc trưng vùng miền; phản ánh đặc trưng tín ngưỡng ngư nghiệp, thể hiện khát vọng của ngư dân Bình Thuận cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được mùa; lòng biết ơn biển, trong đó thần Nam Hải và các vị hải thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là chỗ dựa để họ đặt niềm tin và an tâm khi lao động trên biển.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Thiết Lê Văn Chơn cho biết Lễ hội là điểm nhấn và là ngày hội có sức thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách; là dịp để ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với thần Nam Hải và cầu mong sự phù hộ, độ trì để việc đánh bắt hải sản trên biển luôn gặp bình an, may mắn. Đồng thời, đây cũng là dịp để người dân lao động biển gặp gỡ, thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng và tình tương thân, tương ái trong lao động và cuộc sống.

Đặc biệt, năm nay Bình Thuận là tỉnh đăng cai Năm Du lịch quốc gia, vì thế hình ảnh lễ hội cũng góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Phan Thiết đến với du khách trong và ngoài nước. Thông qua lễ hội, thành phố Phan Thiết mong muốn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng trong đời sống hiện đại, trở thành điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2019, Lễ hội Cầu ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.