Lần đầu tiên tạo ra 'robot sống' từ tế bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học tuyên bố đã tạo ra “robot sống”, một dạng sống mới cấu thành từ tế bào sống kết hợp công nghệ hiện đại.

Một con robot sống với 4 chân - Ảnh: The Guadian
Một con robot sống với 4 chân - Ảnh: The Guadian


Đây là lần đầu tiên loài người có thể tạo ra một dạng robot sống sinh học. Chúng là sinh vật sống, do siêu máy tính thiết kế và sau đó được các nhà sinh học chế tạo bằng cách cấy ghép tế bào sống.

Nhóm nghiên cứu đã mô tả bước phát triển đột phá trong báo cáo đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).

Để chế tạo ra loại robot mới, các nhà nghiên cứu dùng siêu máy tính để tạo ra hàng ngàn thiết kế cho dạng sống mới. Máy tính có nhiệm vụ tính toán thiết kế nào có thể hoạt động tốt nhất theo yêu cầu đề ra.

Ví dụ nếu máy tính được yêu cầu tạo ra dạng sống có thể di chuyển theo 1 hướng nhất định, máy tính sẽ thử hàng trăm thuật toán để kết hợp các tế bào mô phỏng thành các dạng khác nhau cho đến khi tìm ra thiết kế có thể đáp ứng yêu cầu đó.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu thực hiện vi phẫu. Họ lấy tế bào gốc từ phôi ếch châu Phi, đem ủ, rồi cắt tế bào ra, lắp ráp chúng theo thiết kế mà máy tính đã tạo ra.

Điều đó có nghĩa các nhà khoa học đã gắn vật chất hữu cơ lại với nhau dựa trên thiết kế từ máy tính, tạo ra một dạng sống chưa từng tồn tại trước đây trong tự nhiên.

Sau giai đoạn lắp ráp, các tế bào bắt đầu kết hợp với nhau. Đúng như thiết kế được tối ưu thì máy tính, robot sống hình thành có thể tự di chuyển và khám phá môi trường xung quanh trong vài tuần.

Các nhà khoa học cho rằng có thể tạo ra một dạng robot sống phức tạp hơn nữa, trên thân mang theo những cái túi có thể đựng được thuốc để đưa vào cơ thể bệnh nhân.

Robot sống có thể tái sinh hay phân hủy sinh học khi chúng chết. Nếu bị hư hại, chúng có thể tự sửa chữa.

"Chúng ta có thể mường tượng ra vô vàn ứng dụng hữu ích từ loại robot mới, những thứ mà máy móc thông thường khó có thể làm như tìm kiếm ô nhiễm phóng xạ, thu thập hạt vi nhựa trong đại dương, di chuyển trong động mạch để cạo sạch mảng bám…", Michael Levin, đồng đứng đầu nghiên cứu từ đại học Tuftsm (Mỹ) cho biết.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng một con robot sống như vậy có thể được khai thác theo những cách mà chúng ta không thể dự đoán được, dẫn đến những hậu quả khó lường. Nếu thiết kế robot trở nên đủ phức tạp, con người có thể không dự đoán được chúng sẽ bắt đầu hành xử ra sao.

Đồng đứng đầu nghiên cứu Michael Levin cho biết nghiên cứu của ông là bước tiến quan trọng để con người hiểu hơn về dạng robot sống, hiểu cách chúng biến đổi và học cách điều khiển chúng. Khi đó con người có thể kiểm soát những hệ quả mà nó mang lại.


 

Theo MINH KHÔI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.