(GLO)- Theo thống kê, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) có 74 tổ hòa giải với 371 hòa giải viên. Những năm qua, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc trong cộng đồng, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại thôn, làng.
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác hòa giải; cấp phát tài liệu, sổ tìm hiểu pháp luật, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý đơn thư, kiến nghị của người dân và thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới để phổ biến cho đội ngũ hòa giải viên. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện còn tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật... giúp các hòa giải viên nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết các vụ việc. Nội dung của hội thi liên quan đến thực tế đời sống xã hội. Nhờ chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, kỹ năng giải quyết các vụ việc của đội ngũ hòa giải viên ngày càng nâng lên, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết kịp thời, không còn đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Riêng từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải thành công 14/14 vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng.
Ông Quách Hữu Thành-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Gia Yên (xã An Trung) cho biết: Thôn có 76 hộ với 283 khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Gần đây, một số hộ dân trông coi không cẩn thận để gia súc phá hoa màu của bà con dẫn đến mâu thuẫn trong một số hộ gia đình, gây mất đoàn kết. “Bằng kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật, chúng tôi đã nắm bắt vụ việc và gặp gỡ các bên giải thích, chỉ rõ đúng-sai, vận động, thuyết phục các bên nhận ra sai sót của mình để bắt tay làm hòa, giữ được tình cảm đoàn kết xóm làng. Trong hòa giải, chúng tôi luôn khách quan, công bằng, không vội vàng, nôn nóng. Đồng thời, khi hòa giải luôn tạo thái độ thân mật, cởi mở và chân thành nên đã thuyết phục các bên tự thỏa thuận để tự nguyện rút đơn kiện”-ông Thành chia sẻ.
Cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã An Trung (bìa trái) trao đổi về công tác hòa giải với tổ hòa giải thôn Gia Yên. Ảnh: R’Ô HOK |
Mới đây, ông Hà Lưu Thư (thị trấn Đak Pơ) phun thuốc cỏ cho rẫy mía gây ảnh hưởng tới hoa màu liền kề của ông Nguyễn Thanh Phong (thôn Gia Yên). Thế là xảy ra mâu thuẫn giữa hai gia đình. Nắm được sự việc, tổ hòa giải đến tận nơi tìm hiểu, xác minh nhằm tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Nhờ vậy, 2 gia đình đã thống nhất tự thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại.
Còn ông Phạm Văn Nghị-Trưởng thôn 9 (xã Yang Trung) thì chia sẻ: Tổ hòa giải có 3 thành viên. Trước đây, bà con nhiều khi chỉ vì hiểu lầm, chuyện nhỏ nhặt liên quan đến đất đai, mâu thuẫn trong cuộc sống dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Để giúp các bên hòa hợp, trước khi giải quyết vụ việc, tổ phải nắm tình hình, tìm hiểu thái độ, tâm lý của các bên. Bên cạnh đó, khi tiếp xúc phải khéo léo phân tích, giải thích cụ thể từng người, từng tình tiết vụ việc, trên cơ sở đó sẽ vận động, thuyết phục. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì chủ động tham khảo ý kiến của chính quyền, Mặt trận và các ban ngành liên quan đến lĩnh vực tranh chấp. “Đặc biệt, trong quá trình hòa giải, chúng tôi mời thêm những người có uy tín, trưởng họ hoặc có khả năng vận động, thuyết phục để giải quyết dứt điểm các vụ việc. Nhờ đó, trong 5 năm qua, tổ hòa giải chúng tôi đã tiếp nhận, hòa giải thành 55/57 vụ việc, chỉ có 2 vụ việc phải chuyển lên cấp có thẩm quyền”-ông Nghị bộc bạch.
Trao đổi với P.V về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Sáu-Trưởng phòng Tư pháp huyện-cho biết: Phòng Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện tổ chức các hội thi hòa giải viên giỏi, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, đồng thời rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên để nâng cao chất lượng hòa giải, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
R’Ô HOK