Kiến nghị "thẻ xanh" cứu du lịch khỏi "báo động đỏ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại cuộc gặp của Thủ tướng với các doanh nghiệp hôm 26.9, một trong những kiến nghị được gửi tới Thủ tướng lần này là của nhóm doanh nghiệp trong ngành du lịch liên quan vấn đề “thẻ xanh” để giúp ngành khôi phục hoạt động kinh doanh.

 

Thống nhất phương án di chuyển thẻ xanh sẽ cứu ngành Du lịch. Ảnh: MH
Thống nhất phương án di chuyển thẻ xanh sẽ cứu ngành Du lịch. Ảnh: MH



Mỗi tỉnh tự đặt ra theo tiêu chuẩn "thẻ xanh", du lịch khó phục hồi

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch, hiện ngành Du lịch toàn quốc chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành với phần lớn phải chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa, người lao động ngành bắt buộc phải chuyển đổi nghề khác để kiếm sống, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng và chỉ có khách nội địa, không có khách quốc tế. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, gần như đóng cửa 100%.

Nhiều hệ thống trung tâm du lịch, giải trí từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa thì đến tháng 6 năm nay tất cả chỉ là con số 0, hàng chục nghìn lao động doanh nghiệp và lao động thất nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel - cho biết, doanh nghiệp này là đơn vị đứng đầu ngành Du lịch với 1.700 nhân viên, nhưng hiện có thời điểm chỉ còn duy trì 15-20 người lao động. Doanh thu của công ty trung bình đạt 7.000-8.000 tỉ đồng/năm nhưng đến nay có thể không đạt được 10% số này nếu không sớm áp dụng quy định đi lại với “thẻ xanh, thẻ vàng”.

"Chúng tôi rất bi quan, không biết ngành Du lịch có tồn tại được không. Trong bối cảnh các nước xung quanh đã mở lại du lịch như: Châu Âu, Mỹ, ngay Trung Quốc chưa mở cửa quốc tế nhưng du lịch nội địa phục hồi lại gần như bằng trước dịch” - ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.

Cần có cơ chế rõ ràng trong phương án "di chuyển xanh"

Về quy định cấp thẻ xanh di chuyển, theo ông Kỳ, mỗi tỉnh thành hiện tự đặt ra theo tiêu chuẩn riêng khiến khách du lịch khó đi xuyên vùng tỉnh. Vì vậy, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 cần khẳng định thẻ xanh có thể di chuyển cả nước, không nên có rào chắn giữa các tỉnh thì mới khai thông được luồng vận chuyển, giao thông vận tải và từ đó phục hồi du lịch.

Ông Phạm Hà - CEO Lux Group - cũng cho biết, chủ trương hiện nay là sống chung với dịch, vì vậy cần phải mạnh dạn mở cửa để kích thích sản xuất kinh doanh. Một số địa phương có ngành Du lịch phát triển như Quảng Ninh cần dứt khoát, mạnh dạn hơn nữa.

"Chủ trương bây giờ là sống chung với dịch, không phải như xưa nữa. Do đó, tôi nghĩ các tỉnh phải mạnh dạn mở cửa để kích thích sản xuất kinh doanh. Để lâu thêm, doanh nghiệp sống sao nổi. Công ty tôi 9 tháng nay cũng không có doanh thu. Không hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch trở lại, doanh nghiệp sao tồn tại được" - ông Phạm Hà nêu quan điểm.

Ông Phạm Hà nhấn mạnh việc tiêm vaccine đang được đẩy nhanh hơn và những tỉnh thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh hoàn toàn đủ điều kiện để mở cửa du lịch trở lại.

"Tiêm chủng là chìa khóa để sống chung với dịch. Với một ngành đóng góp hơn 10% GDP cho nền kinh tế Việt Nam, tôi nghĩ du lịch cần được chú trọng để vực dậy”.

Ông Hà cho rằng, thẻ xanh là giấy chứng nhận cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trong tương lai, nhiều doanh nghiệp mong loại thẻ này sẽ trở thành giấy tờ hợp lệ để di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Qua đó, du lịch nội địa sẽ trở lại sau khoảng 3 tháng "bất động".

Ông Phạm Duy Nghĩa - Tổng Giám đốc Vietfoot Travel - gợi ý thẻ xanh nên được số hóa, tăng sự thuận tiện khi kiểm tra, giám sát người dân. Mặt khác, các tỉnh thành cũng cần có cơ chế rõ ràng trong phương án "di chuyển xanh". Điều này để tránh tình trạng tỉnh A nói tỉnh B cản trở lưu thông của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến, gói hỗ trợ đặc thù riêng cho lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, đặc biệt là về tài chính, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG - đề nghị có gói hỗ trợ đặc thù riêng cho lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, đặc biệt là về tài chính. Chủ tịch BRG đề nghị có gói hỗ trợ đặc thù riêng cho lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, đặc biệt là về tài chính vì đây hiện đang là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. “Các khách sạn hiện tại của chúng tôi đang phải đóng cửa kéo dài trong khi vẫn phải duy trì chi phí cho điều kiện tối thiểu của hệ thống”- Bà Nga phát biểu.

 

Mỹ Linh  (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/kien-nghi-the-xanh-cuu-du-lich-khoi-bao-dong-do-957700.ldo

Có thể bạn quan tâm