(GLO)- Trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, còn gọi là kỳ thi “2 trong 1”, vài địa phương đã để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng quy chế thi làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng trong thi cử khiến dư luận cả nước bất bình với những “con sâu làm rầu nồi canh” này.
Không phải đến bây giờ mới xuất hiện tiêu cực trong thi cử ở nước ta, mà trước đây nó đã từng xảy ra khi còn hình thức thi tự luận và chưa sử dụng công nghệ can thiệp vào các khâu của quy trình tổ chức thi. Trong ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) nước ta bệnh thành tích đã tồn tại khá lâu và ăn sâu vào mọi ngõ ngách của học đường. Vậy nhưng, nhiều người không thấy xấu hổ với thói giả dối ấy, cứ sống chung với nó lâu ngày thành thói quen khó sửa.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. |
Dư luận trong mấy ngày qua đang nhắm vào vụ tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La với những lời chỉ trích khá cay nghiệt. Bộ GD-ĐT cũng đã cử cán bộ, công chức đi rà soát ở nhiều tỉnh, thành khác để trả lại sự công bằng cho thí sinh. Tất nhiên, qua thực tế, không phải ở hội đồng thi nào cũng có những phần tử xấu mà nhiều địa phương đã nỗ lực làm đầy đủ trách nhiệm của mình, thực hiện nghiêm túc quy chế thi cử, đảm bảo tính trung thực, khách quan. Chúng ta cần xác định rằng, công cuộc đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện sắp đến sẽ còn nhiều gian nan, thử thách nhưng không thể không làm, hoặc thấy tiêu cực là chùn bước mà phải tìm ra những nút thắt quan trọng để từng bước tháo gỡ nhằm đưa sự nghiệp GD-ĐT nước nhà đi đúng quỹ đạo. Mới đây, xuất hiện một số ý kiến trên các phương tiện truyền thông cho rằng, nếu vẫn tiếp tục tổ chức thi cử như thế này và kết quả thi nhiều năm liên tục có số thí sinh đỗ tốt nghiệp gần 100% thì không cần tổ chức một kỳ thi cầu kỳ, phức tạp và tốn kém; chỉ cần để các trường tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh là giải pháp an toàn, không tốn kém nhiều giấy mực và tiền bạc...
Mới nghe qua thì thấy có lý, nhưng xét về bản chất thì không phải vậy. Đã học thì phải có kiểm tra, thi cử mới đảm bảo được sự công bằng, phân loại được học sinh và xa hơn là sắp xếp, bố trí được nguồn nhân lực, chọn người tài, người giỏi tham gia vào nhiều lĩnh vực của quốc gia. Hiện nay, trên thế giới, hầu hết nền giáo dục các nước đều duy trì việc thi cử trong hệ thống GD-ĐT. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của mỗi nước mà họ tổ chức thi cử sao cho đảm bảo sự công bằng, khách quan. Với cách thi “2 trong 1” như chúng ta áp dụng vài năm lại đây, cần rà soát lại những yêu cầu của từng công đoạn đã phù hợp hay chưa, vì mỗi kỳ thi có tính chất riêng nên khi gộp lại có thể tiện lợi ở mặt này nhưng không đáp ứng được yêu cầu ở mặt khác.
Ở đây, vấn đề nằm ở chỗ không phải việc gì khi có tiêu cực xảy ra thì chúng ta yêu cầu phải loại bỏ, mà trên hết cần tìm ra bản chất vấn đề, dự phòng tất cả các tình huống, bít các kẽ hở không để những người có ý đồ xấu chen vào làm sai lệch kết quả. Chúng ta cần xác định rằng dù công nghệ có hiện đại đến đâu cũng đều do con người làm ra và điều hành, vì thế không chủ quan buông lỏng sự quản lý con người trong các khâu thực hiện. Vấn đề là đào tạo, bố trí con người trong hệ thống giáo dục phải có sự chọn lọc một cách cẩn trọng. Vì người thầy giáo, trước hết là phải trung thực với chính mình và phải có phẩm chất của người “cầm cân nảy mực” mới có thể đào tạo nên thế hệ trẻ có đủ năng lực và đạo đức cần thiết, đáp ứng yêu cầu của xã hội văn minh.
Chúng ta cần nhận thức rằng, những sự cố trong ngành GD-ĐT hiện nay nói chung và ở lĩnh vực thi cử nói riêng trong tình hình thực tại là điều tất yếu, ngoài khả năng dự phòng của công tác quản lý. Việc phát hiện kịp thời những tiêu cực đã xảy ra là bài học sâu sắc để ngành chủ quản nghiêm túc nhìn lại nội dung và phương pháp thi cử, từ đó tiếp tục đổi mới, chấn chỉnh để sự nghiệp GD-ĐT ngày càng đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Bùi Quang Vinh