(GLO)- Phụ huynh, ngành Giáo dục-Đào tạo, các địa phương đang tất bật cho những phần việc cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia và sau đó là cuộc chạy nước rút tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong thời điểm này, có lẽ kỳ thi THPT Quốc gia là sự kiện quan trọng thu hút sự chú ý hàng đầu của dư luận.
Tham dự cuộc họp phụ huynh lớp 12 tại một trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku mới đây, như nhiều phụ huynh, tôi đặc biệt quan tâm đến tình hình học tập và kết quả rèn luyện phấn đấu của con mình, trong đó có những thông tin liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Phụ huynh lo lắng cho con là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, kỳ thi THPT Quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đời mỗi người cũng như của con em mình. Đây là cái mốc để đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh sau 12 năm đèn sách, chuẩn bị cho quá trình đào tạo để có một cái nghề mưu sinh, lập nghiệp và vào đời sau này.
Kỳ thi THPT Quốc gia là một cột mốc trong đời của mỗi học sinh. Ảnh: Đức Thụy |
Phụ huynh quan tâm và dư luận xã hội đặc biệt chú ý còn vì năm nay, Bộ Giáo dục-Đào tạo tiếp tục cải cách thi cử với nhiều nội dung. Có thể trở lại vấn đề này như sau: Tháng 9- 2016, Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố phương án thi mới. Theo đó, trừ Ngữ văn, tất cả các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi cũng gộp thành các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Đến tháng 12-2016, Bộ công bố dự thảo thi bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường đại học, cao đẳng và được thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia. Thông tin này khiến nhiều chuyên gia lo ngại chất lượng đầu vào, nhất là với các trường ngoài công lập. Một tháng sau đó, Bộ lại sửa đổi quy định, tức là vẫn giữ điểm sàn. Điểm sàn do Bộ quy định, các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đầu năm 2017, Bộ cho biết không công bố đề thi, đáp án môn thi trắc nghiệm nhưng sau đó thì công bố đề thi thử và đáp án.
Đến thời điểm hiện tại, những điểm mới trong quy chế thi đã được “chốt”. Đó là thí sinh làm 5 bài thi trong 2 ngày rưỡi. Trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi bằng hình thức trắc nghiệm. Mỗi tỉnh, thành phố tổ chức một cụm thi. Tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên đại học, cao đẳng. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi chuẩn hóa riêng. Áp dụng quy định đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn)-căn cứ kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án xét tuyển. Thí sinh làm 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Các câu hỏi ở mức độ cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa kết quả thi của thí sinh để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Sau tổng kết lớp, các trường tiến hành tổng kết và dồn sức ôn tập, thi thử và chuẩn bị các phương án, điều kiện tốt nhất giúp các em học sinh vượt qua kỳ thi quan trọng. Như trên đã nói, không chỉ học sinh cật lực chạy nước rút ôn tập, đảm bảo kiến thức và kỹ năng làm bài, mà các bậc phụ huynh cũng “sốt vó” theo. Không chỉ có vậy, các thầy cô, nhất là Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm rất quan tâm đến kỳ thi, đến từng học sinh. Một số giáo viên chủ nhiệm cho rằng, từ giờ cho đến khi kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra, gia đình phải dành ưu tiên số một là việc học để con em có kết quả thi tốt nhất. Kỳ thi quan trọng nhưng không vì thế mà đặt điều kiện này nọ, dễ tạo áp lực thái quá lên các em. Theo dõi, động viên các em thực hiện lịch ôn tập, nghỉ ngơi, cùng chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể chất phù hợp là cách tốt nhất để các em bước vào kỳ thi một cách tự tin và đạt kết quả mong muốn.
Thất Sơn