Kỳ vọng của cử tri và nhân dân mong muốn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đại biểu hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tiếp tục chọn được đại biểu phải thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, quá trình thẩm định, các cấp uỷ Đảng phải thực hiện rà soát về phẩm chất đạo đức, năng lực, quá trình công tác của các đồng chí được giới thiệu. Đồng thời nâng cao trách nhiệm giới thiệu của những người giới thiệu để chọn được những đại biểu tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: T.Vương |
Đánh giá cán bộ phải dựa vào cả quá trình
Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ: Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, khi giới thiệu một cán bộ vào quy hoạch hay bổ nhiệm chức danh nào đó thì cần phải xem xét cả quá trình công tác. Từ cơ quan đơn vị, cấp uỷ Đảng đã có theo dõi, kiểm tra, nhận xét, đánh giá hàng năm. Khi giới thiệu nhân sự đó thì cấp uỷ từng đơn vị đều có trách nhiệm khi giới thiệu các đại biểu tham gia ứng cử ĐBQH hay đại biểu HĐND.
“Các tổ chức, đơn vị, các cấp uỷ Đảng cần phải rất trách nhiệm để giới thiệu được những đại biểu có đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh… để đưa vào danh sách hiệp thương của Uỷ ban MTTQ các cấp. Người giới thiệu hay những người bỏ lá phiếu tín nhiệm các đồng chí đó đều phải có trách nhiệm. Việc này không vì tình cảm, vì thế này thế khác mà phải hết sức trách nhiệm, khách quan, công tâm. Đồng thời, cần phải thực hiện theo các quy trình chặt chẽ theo quy chế để chọn được những đại biểu tiêu biểu” - Đại biểu Thuỷ nói và cho rằng, quá trình thẩm định, các cấp uỷ Đảng phải thực hiện rà soát về phẩm chất đạo đức, năng lực, quá trình công tác của các đồng chí được giới thiệu.
Đại biểu Thuỷ cũng cho rằng, không chỉ riêng việc giới thiệu Đại biểu Quốc hội hay Đại biểu HĐND mà ở bất kỳ chức vụ gì, cơ quan nào khi lựa chọn cán bộ của mình thì phải có quá trình thẩm định, theo dõi, nhận xét, đánh giá cán bộ. Từ quá trình công tác, nếu chúng ta chọn được những đồng chí đã kinh qua nhiều cương vị công tác, trải qua nhiều kinh nghiệm các lĩnh vực, đồng chí được giới thiệu vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, vẫn phát huy tốt được vai trò tốt nhiệm vụ của mình thì khi giới thiệu những đồng chí này, qua hiệp thương được nhân dân bầu với phiếu rất cao.
Theo đại biểu Thuỷ, trong khâu hiệp thương, quá trình thẩm tra lý lịch và quá trình công tác thì người được tín nhiệm giới thiệu cũng phải hết sức trung thực. Người được giới thiệu thì bản thân người đó phải xứng đáng, phải hết sức trung thực. Trung thực với tổ chức, với nhân dân. Nếu che dấu khuyết điểm hay che dấu lý lịch không bảo đảm đúng tiêu chuẩn thì cũng không được. Bản thân người được giới thiệu phải thực sự thấy rõ trách nhiệm của mình, phải trung thực trước Đảng, trước nhân dân.
Dựa vào nhân dân để chọn người tiêu biểu
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ, trong công tác bầu cử cần dựa nhiều vào quần chúng nhân dân. Khi giới thiệu một đồng chí nào vào vị trí ứng cử ĐBQH hay ĐB HĐND, trong quá trình hiệp thương đều lấy ý kiến của tổ chức, của nhân dân, lấy ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân để lựa chọn đúng cán bộ. Với các đại biểu thì quan trọng nhất đó là sự tín nhiệm của nhân dân với mình.
Cùng trao đổi với Lao Động về việc này, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho hay, vừa qua Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng đã nêu nhiều lưu ý để sự kiện bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND được thành công. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ những cũng nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, ĐBQH, đại biểu HĐND là người được nhân dân bầu, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước.
Ông Thưởng nhấn mạnh và đề cao vai trò của nhân dân. “Phải dựa vào dân, dân phát biểu ý kiến về những ứng cử viên có xứng đáng không. Người được giới thiệu với dân thì dân sẽ nắm rõ hết. Đối với cấp uỷ thì cần tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo, rà soát chặt chẽ để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và ĐB HĐND. Không để cho những người có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, không để cho những người tham vọng quyền lực, có biểu hiện tham nhũng, chạy chức, chạy quyền vào ứng cử. Trường hợp phát hiện những người không xứng đáng là đại biểu của nhân dân, có nhiều vi phạm thì kiên quyết không giới thiệu” - ông Thưởng nói.
|
Theo VƯƠNG TRẦN (LĐO)