Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài cuối: Cách nào không lạc lối trong thế giới ảo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để giúp thế hệ gen Z tránh bị lạc trong những mê cung trên mạng xã hội, các chuyên gia về truyền thông xã hội, tâm lý học đã đưa ra những khuyến nghị giúp nâng cao khả năng quản trị cảm xúc và “chậm lại” đi tìm những giá trị thông tuệ, góp phần xây dựng một xã hội vững bản sắc.

Chậm lại để không tiếp tay cho điều xấu

TS Nguyễn Nga Huyền - giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, chưa có một nghiên cứu nào khái quát được thực trạng sử dụng mạng xã hội của giới trẻ, cũng như chưa thể khẳng định giới trẻ hiện nay chủ yếu tiếp nhận thông tin nông nhưng không sâu, hay dễ bị đồng hoá bởi AI. Tuy nhiên, có những câu chuyện, ví dụ cho thấy một bộ phận giới trẻ sử dụng mạng xã hội nói chung còn theo trào lưu, thiếu những kỹ năng chọn lọc thông tin và chưa nhận thức được về văn hóa ứng xử.

Người trẻ cần vững bản sắc để không bị đồng hoá bởi mạng xã hội, AI.
Người trẻ cần vững bản sắc để không bị đồng hoá bởi mạng xã hội, AI.

Không hiếm để chúng ta bắt gặp những ngôn từ thiếu lành mạnh, mang tính bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một cá nhân nào đó đến từ các bạn trẻ. Chúng ta dễ dàng thấy những hiện tượng “đòi hỏi” đãi ngộ có phần ảo tưởng trong công việc của những ứng viên mới ra trường. Chúng ta không còn xa lạ khi thấy một bình luận khẳng định chắc nịch một sự thật gì đó dưới một bài viết mà thậm chí chính tác giả còn mơ hồ về tình huống, diễn biến của một sự việc đó.

Thực tế, nếu giới trẻ quan tâm đến những vấn đề thời sự, những chuyện ảnh hưởng đến cộng đồng… thì đó là tín hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy họ không thờ ơ, lãnh đạm trước những mối quan tâm chung của xã hội. Tuy nhiên, biết đến đâu là đủ, biết rồi thì cần làm gì, làm thế nào cho đúng… là điều mà giới trẻ cần quan tâm, để “sự biết” đó không chỉ dừng lại ở bề mặt, mà phải cố gắng nắm được bản chất của mỗi sự kiện, câu chuyện một cách khách quan đa chiều, rút ra bài học giá trị cho bản thân, từ đó điều hướng nhận thức, thái độ, hành vi đến những điều đúng đắn và nhân văn.

TS. Nguyễn Nga Huyền - giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS. Nguyễn Nga Huyền - giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mạng xã hội tạo ra một cơ chế tương tác quá dễ dàng đã khiến cho nhiều bạn trẻ ngộ nhận về giá trị thực sự của bản thân. Nó là nơi cho đi lời khen cũng như lời phán xét ai đó rất nhanh và trực diện. Nó là nơi mang đến cho bạn quá nhiều thông tin và thậm chí “níu” đôi mắt của bạn lại không rời màn hình, bởi thuật toán liên tục giới thiệu những chủ đề bạn quan tâm.

“Mạng xã hội khiến cho bạn chìm vào một thế giới thông tin (mà đa phần được tạo ra bởi các cá nhân) có tính chất: ngắn, nhanh, visual và lôi cuốn. Do đó, nó đẩy cảm xúc của bạn cuốn theo các tình tiết, và không để bạn có thời gian dành cho việc suy nghĩ, cân nhắc, phản biện”, TS Huyền nói.

Theo nữ chuyên gia báo chí - truyền thông, để giới trẻ trở lại cuộc sống thực, không có cách nào khác, họ cần bớt sống trên không gian ảo và sống ở thế giới thực nhiều hơn. Thay vì lướt mạng, các bạn trẻ có thể đọc nhiều sách hơn. Thay vì bình luận ở trên mạng, các bạn có thể gặp mặt trực tiếp bạn bè, người thân quen của mình để nói chuyện với nhau một cách tập trung nhất.

“Các bạn trẻ nên cân nhắc “chậm lại”. Chậm lại trước khi tương tác trên mạng xã hội, nghĩ xem đây có là điều đáng được chia sẻ. Chậm lại trước khi khẳng định điều gì đó mà bạn chưa chắc chắn hoàn toàn. Chậm lại trước khi buông lời phán xét một ai đó. Chậm lại trước khi vô tình “tiếp tay” cho những điều xấu lan tỏa…”, TS Huyền khuyến cáo.

“Khi tâm lý, tinh thần bị phân tâm bởi giá trị ảo ấy, người trẻ dễ mất đi năng lượng và khoảng trống để hấp thụ kiến thức chuyên sâu. Bộ não rất dễ bị chi phối, hấp dẫn bởi những cảm xúc dễ đạt được như hả hê sau cuộc tranh luận, hay phấn khích vì nhận cơn mưa lời khen khi đạt được một điều gì đó”.

TS Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên

Hình thành một bản thể có chiều sâu, vững bản sắc

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh- chuyên gia Tâm lý học về Thanh thiếu niên, Viện Nghiên cứu Thanh niên, bản sắc cá nhân là một quá trình liên tục tự hoàn thiện, xây dựng và định hình thông qua trải nghiệm, niềm tin và những giá trị sống. Trong môi trường số hóa hiện nay, quá trình này dần trở nên phức tạp bởi giới trẻ không chỉ xây dựng bản sắc cho riêng mình mà còn chịu ảnh hưởng từ các hình mẫu và tiêu chuẩn văn hóa số. Từ đó, bản sắc không còn là sự lựa chọn cá nhân, mà là một dạng phản ánh, đáp ứng nhu cầu của số đông, thậm chí bị điều khiển bởi những giá trị ảo và áp lực vô hình.

Mạng xã hội đang có tác động khách quan làm mờ nhạt đi bản sắc của mỗi bản thể. Môi trường ảo thúc đẩy việc tạo dựng hình ảnh cá nhân, nhưng đồng thời dễ tạo ra áp lực từ “hào quang ảo” - một lớp vỏ bọc hoàn hảo mà nhiều người cố gắng xây dựng để thu hút sự chú ý.

Trong không gian ảo, mọi thứ diễn ra với tốc độ chóng mặt và mang tính chất kích thích cảm xúc cao. Những nội dung gây sốc, tranh cãi hoặc nổi bật có thể làm mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến các phản ứng tiêu cực như tức giận, đố kỵ, hay thất vọng. Vì vậy, người trẻ dễ chạy theo để thanh minh, cố chứng minh cho những giá trị ảo ấy, hay nói cách khác là làm thoả mãn “cái tôi ảo”, khiến người khác nể phục mình.

Theo TS Tuấn Anh, muốn lui lại sau “lưới ảo” để điều hướng nhận thức tới giá trị nhân văn, trước tiên, cần giáo dục về quản trị cảm xúc, giúp họ nhận biết và kiểm soát cảm xúc của mình trước các kích thích từ mạng xã hội. Việc làm chủ cảm xúc không chỉ giúp họ bảo vệ sức khỏe tâm lý mà còn giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, tránh xa những luồng thông tin xấu, bảo vệ bản thân trước áp lực của “văn hóa loại trừ” (cancel culture) hay các xu hướng đám đông.

“Thế hệ gen Z cần được khuyến khích tìm hiểu những vấn đề phức tạp, dành thời gian cho việc học hỏi và khám phá một cách có hệ thống qua sân chơi do tổ chức Đoàn, Hội tổ chức như hội thảo khoa học sinh viên, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo trên nền tảng số… nhằm hình thành tư duy liên kết tri thức với nhu cầu xã hội”, vị chuyên gia tâm lý nói thêm.

Theo CHÂU LINH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ-Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Vĩnh (ảnh nhân vật cung cấp).

E-magazineHoàng Quốc Vĩnh: Bác sĩ mê nhiếp ảnh

(GLO)- Tốt nghiệp Học viện Quân y, vừa trở thành bác sĩ chuyên khoa I về chẩn đoán hình ảnh là những thông tin về chuyên môn của bác sĩ Hoàng Quốc Vĩnh (38 tuổi), hiện công tác trong ngành Y tế tỉnh Gia Lai. Nhưng khi rời chiếc áo blouse thì anh lại dành niềm đam mê cho nhiếp ảnh.

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Giới trẻ Gia Lai săn lùng “hộp mù” Baby Three

Giới trẻ Gia Lai săn lùng “hộp mù” Baby Three

(GLO)- Những tháng cuối năm 2024, “hộp mù” Baby Three là từ khoá hot nhất trên mạng xã hội. Giới trẻ Gia Lai cũng không nằm ngoài xu hướng khi ngày càng có nhiều người hưởng ứng trào lưu và nhiều điểm bán sẵn sản phẩm “mọc lên” trên khắp Phố núi.

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Trước đây, thời ông bà, cha mẹ, “trai 18, gái 20” là đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Đến thế hệ 7X, 8X, giai đoạn 20-25 tuổi là độ tuổi đẹp nhất để yêu và kết hôn. Song hiện nay, nhiều bạn trẻ 9X ngoài 30 tuổi vẫn chưa vội yêu và lập gia đình.