Khẳng định thương hiệu Cà phê Thu Hà (Gia Lai)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khẳng định thương hiệu Cà phê Thu Hà (Gia Lai) ảnh 1
 
Trong nước, có thể nói thương hiệu Cà phê Thu Hà bước đầu đã khẳng định được vị thế của mình. Song với ông Ngô Tấn Giác- Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Thu Hà, bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Ước vọng của ông là “Một chút cà phê Thu Hà” sẽ vươn ra tầm thế giới. Mà để làm được điều đó, yếu tố cần nhất lúc này chính là “một điểm tựa”-một cơ chế thoáng của Nhà nước, và sự ủng hộ của những người cùng tâm huyết…


Ước vọng…
Vẫn là một Ngô Tấn Giác bề ngoài trẻ trung hơn so với cái tuổi… cận thất thập và cách nói chuyện luôn nhiệt thành, chia sẻ. Câu chuyện dẫu chắp vá cuối cùng vẫn cứ hướng về một chủ đề: “Cà phê”. Ước vọng của ông không chỉ khẳng định thương hiệu Cà phê Thu Hà trên thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới; không chỉ khẳng định ở “lĩnh vực” cà phê bột mà còn ở sản phẩm cà phê hòa tan và rất nhiều sản phẩm khác. Khơi chuyện, ông mở lòng: “Thương hiệu Cà phê Thu Hà giờ không chỉ người dân trong nước mà 34 nước trên thế giới cũng đã biết tới. Nhưng thật sự con số xuất ra những nước này cũng chưa nhiều, dù có khá nhiều đối tác ở các nước ngỏ ý hợp tác. Nguyên nhân là bởi với cơ sở vật chất như hiện tại chưa đủ đáp ứng nhu cầu”. Đó cũng là một trong những lý do thúc đẩy ông xây dựng nhà máy chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) với diện tích 25.000 m2, tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 70 tỷ đồng.
Đối với dự án này, ông Giác tỏ ra khá lạc quan: “Nhắc tới Đak Lak, người ta nghĩ ngay tới cà phê Trung Nguyên, còn nhắc đến Gia Lai, người ta sẽ nhớ đến cà phê Thu Hà với 14 loại cà phê khác nhau, đáp ứng đủ nhu cầu cũng như “gu” thưởng thức của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Với quy trình trồng-chế biến-phân phối khép kín, chất lượng cà phê Thu Hà vì thế luôn được đảm bảo và ổn định. Hiện Thu Hà cũng đã có sản phẩm cà phê hòa tan mà theo đánh giá của rất nhiều khách hàng là chất lượng, hương vị hơn hẳn cà phê hòa tan của những thương hiệu khác. Nếu nhà máy hình thành, dây chuyền sản xuất đi vào chuyên nghiệp hóa, cơ hội khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế sẽ lớn hơn”.
Từ ngày 12 đến 15-3 sẽ diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III nhằm tôn vinh cây cà phê, tạo cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu của mình ra thị trường thế giới. Cà phê Thu Hà, tất nhiên không thể vắng mặt. Với sự chuẩn bị khá chu đáo về cả khâu tiếp thị lẫn con người, ông chủ Cà phê Thu Hà hy vọng lần này thương hiệu sẽ được biết tới nhiều hơn.
Cần một điểm tựa
Hào hứng nói về những dự án, những nỗ lực tích cực để khuếch trương thương hiệu song ông Giác cũng không giấu  nổi trăn trở. Theo ông, nhà máy chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan có tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 70 tỷ đồng, hiện ông cần khoảng 20 tỷ đồng nữa mới có thể khởi công xây dựng được. “Chính phủ đang kêu gọi thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp. Kêu gọi thì cũng có một số doanh nghiệp tham gia góp vốn nhưng chưa đủ. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thực hiện dự án. Trong khi đó, tỉnh có chủ trương thu hồi đất hoặc chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm… khiến tôi băn khoăn không ít. Tôi mong tỉnh “thoáng” hơn một chút…”-ông Giác cho hay.
Về sản phẩm cà phê hòa tan, ông Giác cho biết: “Thu Hà làm cà phê hòa tan hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Bởi để đầu tư công nghệ làm ra cà phê hòa tan như các doanh nghiệp khác phải cần tới… 300 tỷ đồng”. Đó cũng là một khó khăn khiến các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài chưa thật sự tin tưởng cà phê Thu Hà có thể cung ứng số lượng lớn.
“Vốn” bao giờ cũng là… một câu hỏi lớn khó có lời đáp. Với cà phê Thu Hà, “đòn bẩy” để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi chính là sự ủng hộ không chỉ của những người cùng tâm huyết muốn thương hiệu Cà phê Thu Hà nói riêng, cà phê Gia Lai nói chung khẳng định được vị thế của mình, có điều kiện vươn xa hơn nữa mà còn cần tới một “cơ chế thoáng” của tỉnh.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.