Khám phá vẻ đẹp thác Đăk Ruồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vẻ đẹp của thác Đăk Ruồi được tạo nên bởi khung cảnh núi rừng hùng vĩ, hoang sơ cùng làn nước trong trẻo và không khí dịu mát giúp du khách có cảm giác thư thái, yên bình khi được thả mình vào thiên nhiên nơi đây.

Thác Đăk Ruồi nằm trên suối Đăk Trót, thuộc địa phận thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei, cách trung tâm thị trấn khoảng 11km. Đây là một trong những thác còn giữ được nét hoang sơ với nhiều tầng thác nối tiếp nhau tạo thành một vệt dài trắng xóa như dải lụa mềm mại rủ xuống giữa đại ngàn xanh thẳm.

Trong những năm gần đây, người dân huyện Đăk Glei, Kon Tum thường đến thác để vui chơi, thư giãn vào cuối tuần sau những ngày làm việc căng thẳng.

Một trong những hồ nước được hình thành dưới chân thác. Ảnh: NB

Một trong những hồ nước được hình thành dưới chân thác. Ảnh: NB

Để đến thác, từ thị trấn Đăk Glei, tôi phải mất gần 30 phút di chuyển bằng xe gắn máy. Vì đường đến thác là đường đất, có nhiều đoạn bị xói lở do mưa lũ, có nhiều “ổ gà” nên hơi bất tiện khi đi lại. Nếu đi bằng ô tô thì không thể đến được chân thác mà phải di chuyển thêm tầm 2km nữa từ vị trí dừng đỗ xe.

Cung đường di chuyển đến thác Đăk Ruồi cũng là đường đến khu sản xuất chính của người dân thôn Đăk Poi và thôn Đăk Tung (thị trấn Đăk Glei) nên không đến nỗi vắng vẻ. Tuy nhiên, muốn trải nghiệm thác thì nên chuẩn bị đồ ăn, thức uống đầy đủ vì không có hàng quán nào trong suốt chặng đường đến thác.

Hai bên đường đến thác có nhiều cây cối xanh mát, núi non trập trùng, cùng với những con suối quanh co, uốn lượn. Thỉnh thoảng gặp vài chòi rẫy của người dân có thể dừng chân để nghỉ ngơi, ngắm cảnh.

Đặc biệt, trên đường đến thác có những gốc cây đa cổ thụ, đan xen, dính với nhau tạo thành một cái cổng cao to, trông rất lạ mắt.

Cây đa cổ thụ tạo thành một cái cổng trên đường vào thác Đăk Ruồi. Ảnh: NB

Cây đa cổ thụ tạo thành một cái cổng trên đường vào thác Đăk Ruồi. Ảnh: NB

Mặc dù thác nằm sâu trong rừng nguyên sinh, nhưng vì dòng suối ở trên núi cao đổ xuống nên có thể nhìn thấy tầng trên cùng của thác từ khoảng cách rất xa. Thác nằm ở độ cao hơn 800 mét so với mực nước biển, bốn bề quanh thác được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh mênh mông, bát ngát, nơi có lớp thực bì dày và quần thể cây cối rậm rạp có tác dụng lọc, giữ nước, điều tiết nước từ trên đỉnh núi cao. Vì vậy, suối ở đây có nguồn nước ổn định, không bao giờ khô hạn và dòng nước trong vắt quanh năm.

Do địa hình chia cắt lớn và chênh lệch độ cao nhiều nên dòng nước đổ xuống từ các tầng của thác nước rất mạnh, phát ra âm thanh trầm hùng. Nước đập vào những tảng đá nơi chân thác tạo ra bọt nước bay tung tóe, trắng xóa thành lớp sương mờ ảo phảng phất làm cho khung cảnh càng trở nên quyến rũ và nên thơ.

Xuôi theo dòng chảy, dòng nước còn tạo ra nhiều thác lớn nhỏ khác nhau và hình thành nên những hồ nước mát lạnh. Bạn có thể thỏa sức bơi lội, ngâm mình trong hồ nước để giải nhiệt. Quanh những hồ nước, có nhiều tảng đá lớn nhỏ, với hình thù khác biệt xếp chồng lên nhau, xen kẽ là cây rừng. Cùng với đó là dòng nước trong trẻo, mát rượi, tiếng nước róc rách, xa xa là tiếng chim rừng hót líu lo. Tất cả hòa quyện làm cho nơi đây trở nên yên bình, gần gũi, có thể xua tan những lo toan, bộn bề trong cuộc sống.

Anh A Klăy (52 tuổi)- Phó trưởng thôn Đăk Poi cho biết, thác có 5 tầng, độ cao trung bình mỗi tầng từ 20 - 40m, riêng tầng trên cùng là cao nhất, khoảng 50m. Thác nước gắn liền với tuổi thơ của anh và bao thế hệ người dân trong làng. Đến nay, anh vẫn cùng thanh niên làng Đăk Poi đến thác tắm mát, bắt cá và thường dẫn khách đến đây tham quan, trải nghiệm.

Mùa đẹp nhất để du lịch thác Đăk Ruồi kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4. Lúc này, mùa mưa đã kết thúc, con nước không quá “dữ dằn”, dòng nước lúc nào cũng trong vắt, mát lạnh. Khu vực chân thác có nhiều tảng đá lớn là điểm dừng chân lý tưởng cho những buổi cắm trại, tổ chức tiệc dã ngoại và giải nhiệt trong những ngày nóng bức.

Tầng 3 và tầng 4 của thác Đăk Ruồi tính từ đỉnh thác. Ảnh: NB

Tầng 3 và tầng 4 của thác Đăk Ruồi tính từ đỉnh thác. Ảnh: NB

“Lượng khách đến thác thường đông vào những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, họ vào đây chủ yếu để tắm, nấu nướng, ăn uống và sinh hoạt đội, nhóm. Ngoài ra, trong những năm gần đây, người dân thôn Đăk Poi ngày càng có ý thức tuân thủ luật pháp, quyết tâm giữ rừng và cảnh quan xung quanh thác với mong muốn du lịch nơi đây ngày càng phát triển. Nguyện vọng của người dân Đăk Poi là chính quyền địa phương quan tâm làm đường để người dân và du khách vào thác thuận tiện, an toàn”- anh A Klăy chia sẻ thêm.

Được biết, thời gian qua, được sự phân công của Đảng ủy thị trấn, Đoàn thị trấn Đăk Glei đã triển khai công trình thanh niên tại thác Đăk Ruồi. Hạng mục gồm tạo dựng các chòi nghỉ chân và thường xuyên ra quân dọn vệ sinh, đảm bảo khu vực luôn xanh - sạch - đẹp nhằm hình thành một điểm du lịch hấp dẫn, an lành thu hút người dân và du khách tham quan, dã ngoại.

Với vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ như một kiệt tác do thiên nhiên ban tặng, thác Đăk Ruồi đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho những “tín đồ” thích khám phá. Tuy nhiên, đến thác trong thời điểm này, du khách cần cân nhắc trong việc sử dụng các sản phẩm dưỡng da hoặc các sản phẩm chống các loại côn trùng và hạn chế ở lại qua đêm, trau dồi kiến thức cần thiết khi đi rừng, lội suối để có những chuyến đi an toàn và thú vị.

Có thể bạn quan tâm

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.