Khám phá Cồn Cỏ - một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, đảo Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung.
Mặc dù có diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ lại có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Mặc dù có diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ lại có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đảo Cồn Cỏ nằm cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, gần 30km, còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Con Hổ, hay Hòn Mệ.

Đảo Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ. Trong những năm chiến tranh, Cồn Cỏ được xem là “con mắt thần," “vọng gác tiền tiêu” của miền Bắc.

Bên cạnh đó, Cồn Cỏ có vị trí khá thuận lợi về địa-kinh tế, khi vừa gần đất liền vừa có thể mở hướng vươn khơi thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đảo, vừa thuận lợi cho phát triển giao thông đường biển, hoạt động du lịch trong tam giác Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ.

Do được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa nên đảo có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát...

Với diện tích khoảng 2,3km2, trong đó hơn 70% là diện tích rừng nguyên sinh, đảo Cồn Cỏ là một số ít nơi tại Việt Nam còn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Bởi vậy, một trong những trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến thăm Cồn Cỏ là tham quan khu rừng nguyên sinh giữa biển khơi, tận hưởng bầu không khí trong lành và khám phá hệ động, thực vật phong phú trên đảo.

Rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ làm cho Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh với thảm thực vật phong phú. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ làm cho Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh với thảm thực vật phong phú. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Những điểm tham quan nổi tiếng trên đảo Cồn Cỏ

Ngoài vẻ đẹp được thiên nhiên ban tặng, đảo Cồn Cỏ còn có bề dày lịch sử với rất nhiều di tích mang ý nghĩa to lớn với dân tộc. Nếu có dịp đến đây, bạn không nên bỏ lỡ một số điểm tham quan tiêu biểu dưới đây.

Nhà truyền thống của huyện đảo Cồn Cỏ

Nhà truyền thống là nơi giới thiệu đến khách du lịch về những tài nguyên thiên nhiên, sản vật quý giá cũng như tiềm năng phát triển của đảo Cồn Cỏ.

Bên cạnh đó, tại đây còn trưng bày và giới thiệu các hình ảnh, hiện vật tái hiện lại một phần lịch sử hào hùng của của quân dân Cồn Cỏ trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Cột cờ Tổ Quốc

Cột cờ cao 38,8m với lá Quốc kỳ rộng 24m2 tung bay ngày đêm. Đây là điểm check-in được rất nhiều bạn lựa chọn khi đến với hòn đảo này, vừa là lòng tự hào dân tộc, vừa thể hiện sự biết ơn với những người chiến sỹ ngày đêm canh giữ biển đảo.

Cột cờ trên đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cột cờ trên đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đài tưởng niệm Đồi 37

Là nơi tôn vinh những người anh hùng đã anh dũng hy sinh xương máu trong hành trình bảo vệ biển đảo Tổ quốc, đài tưởng niệm đã chứng kiến bao nhiêu người ngã xuống để có được độc lập, chủ quyền như ngày hôm nay.

Ngọn hải đăng Cồn Cỏ

Nhìn từ xa, ngọn hải đăng sừng sững giữa đất trời, rất oai vệ. Ban đêm, đây là nguồn sáng giúp tàu thuyền định hướng và xác định đường cơ sở biển, di chuyển an toàn. Còn ban ngày, đây là điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách.

Ngọn hải đăng sừng sững giữa đất trời, là điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngọn hải đăng sừng sững giữa đất trời, là điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2024, Cồn Cỏ phấn đấu thu hút khoảng 9.500-10.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 15 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch, tiếp tục quan tâm đầu tư, tôn tạo một số điểm đến, danh thắng lịch sử, đồng thời đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phê duyệt một số công trình, dự án hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch như bãi tắm nhân tạo, biểu tượng Huyện đảo Cồn Cỏ và lối chỉ dẫn điểm A11…

Đảo Cồn Cỏ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ào, khói bụi của thành thị để tìm về chốn yên tĩnh, thanh bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đảo Cồn Cỏ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ào, khói bụi của thành thị để tìm về chốn yên tĩnh, thanh bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Xác định việc phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch là “chìa khóa” để giữ chân du khách, năm nay huyện đã phát triển đa dạng một số sản phẩm du lịch mới như ngắm san hô từ tàu đáy kính, đốt lửa trại, giao lưu văn hóa văn nghệ giữa du khách với quân dân trên đảo; đưa một số công trình phục vụ khách tham quan du lịch như phục dựng Đài quan sát Thái Văn A, chỉnh trang Bến Nghè và các điểm tham quan Cụm Bàng vuông, Hầm quân y, Nhà Truyền thống; huyện phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị lữ hành tiếp tục tổ chức hội nghị liên kết tour; tổ chức các đoàn Framtrip, pretrip đến khảo sát du lịch…

Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về du lịch, an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tăng cường quản lý các hoạt động dịch vụ, việc quản lý niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Âu cảng Cồn Cỏ được sử dụng như một cảng hỗn hợp, vừa là nơi neo đậu, tránh trú cho tàu thuyền đánh cá, vừa là bến cập tàu vận tải hành khách, du lịch đi lại giữa đảo và đất liền. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Âu cảng Cồn Cỏ được sử dụng như một cảng hỗn hợp, vừa là nơi neo đậu, tránh trú cho tàu thuyền đánh cá, vừa là bến cập tàu vận tải hành khách, du lịch đi lại giữa đảo và đất liền. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm các hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; phát động phong trào, khuyến khích người dân và du khách đến với đảo sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, xây dựng đảo Cồn Cỏ trở thành đảo xanh-sạch-đẹp.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển tour, tuyến du lịch và đẩy mạnh khai thác thế mạnh của địa phương, đảo Cồn Cỏ được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nên du lịch đảo Cồn Cỏ vào thời điểm nào?

Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa bão và Quảng Trị thường chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Nếu đến đảo đúng thời điểm này, bạn sẽ mắc kẹt một thời gian ở đây, đợi bão qua mới có thể vào đất liền. Bên cạnh đó, mưa bão ngoài đảo cũng thường dữ dội hơn trong đất liền, dễ khiến bạn lo lắng.

Khoảng thời gian lý tưởng nhất để du lịch đảo Cồn Cỏ là vào mùa Hè, từ khoảng tháng 3 đến tháng 8. Đây là thời điểm Biển Đông ít có biến động, sóng yên biển lặng, thời tiết rất thuận lợi để trải nghiệm du lịch biển.

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.