Khai thác tiềm năng và nắm bắt cơ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được xem là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, du lịch đang ngày càng nhận được sự đầu tư và quan tâm đúng mức, đúng hướng. Sự kiện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Yên tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch tại Gia Lai là một trong những động thái để các doanh nghiệp 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên liên kết, xây dựng những tuyến du lịch lên rừng-xuống biển. Phóng viên Gia Lai online đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với ông Phạm Văn Bảy-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Yên.

- Theo ông, tiềm năng du lịch của tỉnh Phú Yên được đánh giá như thế nào?

Phú Yên là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú, nhiều cảnh quan đẹp, biển, rừng đan xen hấp dẫn, văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, môi trường thiên nhiên trong lành, điều kiện đầu tư thuận lợi, thông thoáng, giá cả tiêu dùng và lao động rẻ, nhiều loại đặc sản biển có thể đáp ứng nhu cầu ẩm thực cao cấp... là những thế mạnh để phát triển du lịch. Với bờ biển dài 190 km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo cho Phú Yên nhiều vịnh, đầm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú như: Đầm Cù Mông; đầm Ô Loan với đặc sản nổi tiếng như sò huyết, cua Huỳnh Đế, hàu, rau câu....

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Vịnh Vũng Rô gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển; vịnh Xuân Đài nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên của Việt Nam và Hoa Kỳ năm 1832 vào thời Vua Minh Mạng và Tổng thống Mỹ Adrew; gành Đá Đĩa-một hiện tượng địa chất độc đáo kỳ lạ; núi Đá Bia gắn liền với huyền thoại Vua Lê Thánh Tông một thời mở cõi về phương Nam năm 1471; Bãi Môn-Mũi Điện-điểm cực Đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của đất liền Tổ quốc. Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Yên các nguồn nước khoáng nóng: Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức.

Phú Yên còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên và Duyên hải Nam Trung bộ là sự đan xen, giao thoa của nền văn hóa Việt-Chăm. Bộ kèn đá và đàn đá Phú Yên có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm, có giá trị rất lớn về lịch sử-văn hóa và là những bảo vật quốc gia. Các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ rất đặc sắc. Ẩm thực Phú Yên với những đặc sản nổi tiếng như: Ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ đầm Cù Mông, sò huyết, hàu đầm Ô Loan, cá ngừ Đại Dương… Đó là những tiềm năng to lớn, là cơ sở cho phát triển du lịch văn hóa ở Phú Yên.

- Ông đánh giá như thế nào về những thế mạnh du lịch của Gia Lai và triển vọng cơ hội hợp tác giữa hai địa phương?

Gia Lai có thuận lợi về giao thông qua các tuyến quốc lộ: 25, 14, 19 và đường Hồ Chí Minh. Sự phát triển trong hợp tác kinh tế giữa Tây Nguyên (Việt Nam) với vùng Đông Bắc (Campuchia), vùng Nam Lào (Lào) tạo điều kiện để Gia Lai phát triển du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ). Gia Lai có tài nguyên du lịch sinh thái rừng gắn với văn hóa bản địa hết sức đặc sắc: Núi Hàm Rồng, thác Phú Cường, thung lũng Hồng, Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, đồi thông Đak Pơ….; có rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật đa dạng và quý hiếm; có quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, làng kháng chiến Stơr (quê hương Anh hùng Núp)... Đặc biệt, UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại và sự kiện Festival Cồng chiêng quốc tế Gia Lai-Việt Nam sẽ là cơ hội để ngành Du lịch Gia Lai phát triển.

Rõ ràng, 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sẽ có nhiều vấn đề trước mắt cần phải giải quyết. Đó là tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải quan tâm nâng cấp quốc lộ 25; định hướng cho các nhà đầu tư tham gia hình thành các tuyến du lịch đường bộ quốc lộ 25, xây dựng các trạm dịch vụ dừng chân (bãi đỗ xe, bảo dưỡng xe, ăn uống, giải khát, nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm...).

Vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế của 2 tỉnh liên kết tổ chức các tour du lịch liên tỉnh, liên vùng và liên kết với các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Nam Lào; hình thành các tour du lịch chuyên đề tham quan và nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch sinh thái rừng và một số tour du lịch tổng hợp liên vùng để kết nối chương trình “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”. Ngoài ra, cần tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành khảo sát điểm đến tại 2 tỉnh để hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour du lịch mới, đặc trưng để thu hút khách. Tất nhiên không thể bỏ qua khâu hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch…

- Cảm ơn ông!

Kim Linh (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.