(GLO)- Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân. Những kết quả đạt được tạo tiền đề để xây dựng Krông Pa phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
Kinh tế tăng trưởng khá
Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện. Ảnh: Đ.T |
Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện là 10,87% (đạt 102,5% Nghị quyết). Tổng giá trị sản xuất năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4.537 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 40,31%, công nghiệp-xây dựng chiếm 33,19%, thương mại-dịch vụ chiếm 26,5%. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2020 ước đạt 35,5 triệu đồng (gấp 1,48 lần so với năm 2015).
Đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng đạt 46.500 ha (tăng 5.410 ha so với năm 2015, đạt 108,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 2.601 tỷ đồng (gấp 1,4 lần so với năm 2015). Nền nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và hình thành các vùng sản xuất tập trung như: lúa nước, mì, thuốc lá, dưa hấu, điều... Tổng đàn bò toàn huyện trên 62.000 con (tỷ lệ bò lai chiếm 25% tổng đàn), đàn dê khoảng 19.000 con. Trên địa bàn huyện có 7 hợp tác xã nông nghiệp, 7 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng đạt 2.142 tỷ đồng (gấp 2 lần so với năm 2015) và thương mại-dịch vụ đạt 1.710 tỷ đồng (gấp 1,7 lần). Một số ngành phát triển mạnh như: chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu xây dựng... góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.492 tỷ đồng (gấp 2,3 lần so với năm 2015). Thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 10% (đạt 111,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Ngoài ra, tổng doanh số cho vay trên địa bàn huyện đạt 2.177 tỷ đồng, giải quyết cho 22.395 lượt hộ vay (trong đó, có gần 11.150 lượt hộ dân tộc thiểu số vay 397,6 tỷ đồng); góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã làm mới và nâng cấp 214,5 km đường giao thông nông thôn, 6,78 km đường nội thị, 19 km đường liên xã, 6 cầu dân sinh, 45,32 km kênh mương... phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống người dân.
Trong 5 năm (2015-2020), huyện đã hỗ trợ 6,2 tỷ đồng để triển khai 20 mô hình, dự án khuyến nông và chuyển giao công nghệ. Huyện đã chủ động thực hiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường được chú trọng.
Cô và trò Trường THPT Chu Văn An trong một giờ học. Ảnh: Đức Thụy |
Hạ tầng phục vụ giáo dục, y tế, văn hóa ở các xã được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn nông thôn mới, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy-học và khám-chữa bệnh của người dân. Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức dạy nghề cho 3.308 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 34% (tăng 12,7% so với năm 2015). Hàng năm, huyện giải quyết việc làm mới cho 800 lao động thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 9,53% (giảm 30,7% so với năm 2015), bình quân giảm 6,1%/năm, đạt 122% chỉ tiêu Nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 13,77% (giảm 39,83% so với năm 2015). Các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Cùng với đó, các chương trình an sinh xã hội, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, trong 5 năm qua, toàn huyện đã tổ chức sửa chữa, xây mới nhà ở cho 155 hộ, phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ 72 hộ gia đình chính sách thoát nghèo. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, ở nhà tạm, dột nát.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững
Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Krông Pa xác định sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục phát huy nội lực, chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Chú trọng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao.
Nhà máy điện năng lượng mặt trời xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Ảnh: T.V.C |
Trong đó, huyện sẽ tập trung các nguồn lực cùng với kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp. Cùng với đó, huyện tạo điều kiện phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hội; xây dựng và củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế dưới tán rừng, hình thành vùng chuyên canh rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu… Đẩy mạnh phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các ngành nghề sử dụng nguyên liệu tại chỗ... tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, làm “bà đỡ” cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tạo mối liên kết theo chuỗi sản xuất bền vững.
TÔ VĂN CHÁNH
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện