Khách tour buộc phải 'tip': Quy định chưa có tiền lệ của du lịch Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch hậu khủng hoảng đại dịch, muốn đi đường dài và bền sức “con tàu” du lịch cần hài hòa lợi ích của cả khách du lịch và những người làm nghề.

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa: Huy Hoàng
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa: Huy Hoàng
Lần đầu tiên có một văn bản quy định rất rõ ràng về tiền tip dành cho các du khách nội địa và quốc tế khi đi du lịch Việt Nam. Điểm đến “nổ súng” cho chủ trương này và sẽ áp dụng từ ngày 15/5 chính là nơi được đánh giá “hot” nhất cả nước – Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Ngay lập tức, câu chuyện tiền tip đã vấp phải những ý kiến trái chiều của các đơn vị lữ hành và người làm nghề.
Du khách thế giới đang “tip” thế nào?
Trong lĩnh vực lữ hành, tiền tip thường dùng để thể hiện sự hài lòng và đánh giá cao của khách du lịch về chất lượng dịch vụ, thành quả lao động mà hướng dẫn viên cung cấp. Con số là nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách. Có thể nói, tiền tip tạo ra động lực làm việc và niềm vui cho hướng dẫn viên, thể hiện sự công nhận của du khách khi hài lòng về chuyên môn nghiệp vụ và thái độ phục vụ của người hướng dẫn.
Trả tiền tip cho nhân viên phục vụ là quy định đối với khách tại Mỹ. Họ thường phải trả khoảng 2-5 USD/đêm cho nhân viên buồng phòng, tùy thái độ phục vụ và hạng sao của khách sạn; chi 1-5 USD cho mỗi vali, túi xách lớn hay số tầng khách sạn cho nhân viên hành lý; tip từ 15-20% trên tổng giá trị hóa đơn khi ăn uống tại nhà hàng. Tuy nhiên, nếu hóa đơn đã ghi sẵn “service charge” (phí dịch vụ) hoặc “gratuity” (tiền boa) thì họ sẽ không tip thêm nữa.
Nguyên tắc tiền tip của Canada là khách hàng đưa thêm 15-20% giá trị hóa đơn đã dùng. Ở quốc gia hình chiếc ủng Italy, trong mọi trường hợp sử dụng dịch vụ, hãy để lại tiền tip, đây là “luật bất thành văn” với du khách. Đến pháp, 15% phí dịch vụ đã được thêm vào hóa đơn nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn để lại thêm chút đỉnh thay lời cảm ơn về sự tận tình của nhân viên…

Nghề hướng dẫn viên giống như 'làm dâu trăm họ.' Ảnh minh họa: M.Mai/Vietnam+
Nghề hướng dẫn viên giống như 'làm dâu trăm họ.' Ảnh minh họa: M.Mai/Vietnam+
Trong khi đó, người Nhật không bao giờ trả tiền tip, vì với họ đây là hành động xúc phạm. Khách Nhật quan niệm rằng họ vẫn sẽ vẫn nhận được chất lượng dịch vụ tốt nhất mà không cần phải tốn thêm khoản tiền nào. Đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Phần Lan… bạn cũng không cần tip.
Ở Việt Nam, việc du khách trả tiền tip cho người phục vụ vẫn còn xa lạ. Thực tế từ trước đến nay, du lịch Việt cũng không có bất kỳ “văn bản cứng” nào bắt buộc du khách phải tip cho hướng dẫn viên khi đi tour mà tùy vào từng công ty du lịch sẽ có những quy định riêng hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào khách có tip hay không, kể cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Mới đây ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc đã ký Thông báo số 01/TB-HHDV về việc bổ sung Quy chế Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc, trong đó thông tin đến các thành viên về mức thu tiền tip của du khách.
Theo văn bản này, mức phí phục vụ khách Việt Nam được quy định là 25.000 đồng/người/ngày, khách khu vực châu Á là 2 USD/người/ngày còn khách du lịch từ các khu vực khác có mức thu 4 USD/người/ngày. Quy định bắt đầu áp dụng từ ngày 15/5/2022.
Lữ hành ngạc nhiên trước văn bản “vô lý”
Sau khi văn bản của Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc được gửi đi khắp nơi, nhiều doanh nghiệp và người làm du lịch tỏ ra khá bức xúc.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Phong, Trưởng phòng sản phẩm My Adventures (Mytour.vn) cho biết không đồng tình với quy định mức tiền tip dành cho hướng dẫn viên.

Du khách tham quan điểm đến ở Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh: M.Mai/Vietnam+
Du khách tham quan điểm đến ở Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh: M.Mai/Vietnam+
Có kinh nghiệm 10 năm làm hướng dẫn viên “inbound” (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và 5 năm điều hành tour đón khách quốc tế du lịch khắp Đông Dương, ông Phong khẳng định đây là văn bản đi ngược xu thế và tiến trình mở cửa du lịch inbound nói riêng cũng như mở cửa toàn bộ nền kinh tế xanh nói chung từ ngày 15/3/2022 của Chính phủ.
Ông Phong lo ngại nếu ở Phú Quốc triển khai thu tiền tip, du khách sẽ nghĩ những điểm đến khác của Việt Nam cũng thu phí, như vậy chi phí chuyến đi dài ngày sẽ đội lên cao và cho rằng du lịch Việt Nam thiếu chuyên nghiệp. “Không có quy định nào bắt buộc khách phải tip. Kể cả công ty du lịch cũng chỉ đưa ra lời khuyên về mức tip khi du khách hỏi,” ông Phong nói.
Còn bà Nghiêm Thúy Hà, CEO Công ty Du lịch và Thương mại Aadasia Group rất ngạc nhiên khi có một văn bản như vậy và cho rằng mức tiền tip trong văn bản là vô lý.
Bà Hà làm một phép tính đơn giản, nếu tính phí tip của khách Việt 25.000 đồng/người/ngày, cho đoàn khách 20 người đến Phú Quốc, hướng dẫn viên được quyền thu 500.000/ngày. Với mức tip 4 USD/khách/ngày đến từ thị trường khách quốc tế ngoài châu Á, như đoàn 10 khách Nga sẽ phải trả hướng dẫn viên 40USD tiền tip tương đương gần 1 triệu đồng. Trong khi đó, họ đã có công tác phí là 500-600.000/người/ngày, thậm chí còn cao hơn tùy tính chất phục vụ.
Thế nhưng với trường hợp hướng dẫn viên dẫn một đoàn khách inbound có nhiều người từ những châu lục khác nhau, cùng sử dụng dịch vụ giống nhau, chẳng lẽ người phục vụ sẽ chia quốc tịch để thu tiền? Điều này sẽ gây ức chế tâm lý khách hàng. Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch và chiến tranh trên thế giới, phải thắt chặt chi tiêu, du khách sẽ khó chấp nhận trả thêm khoản tip bắt buộc.

Du khách trên đường phá phá đỉnh núi Cao Xiêm, Quảng Ninh. Ảnh minh họa: M.Mai/Vienam+
Du khách trên đường phá phá đỉnh núi Cao Xiêm, Quảng Ninh. Ảnh minh họa: M.Mai/Vienam+
“Hướng dẫn viên phục vụ tốt hơn mức bình thường mới được tip, thậm chí khách không tip cũng được vì một số quốc gia như Israel, Ấn Độ, Nhật Bản... không có thói quen tip, vì cho rằng đã trả toàn bộ chi phí chuyến đi cho công ty lữ hành. Việc này cũng sẽ khiến người phục vụ có thể chỉ quan tâm xem ai có khả năng tip nhiều để chăm sóc, trong khi họ đã được trả công và có trách nhiệm đảm bảo dịch vụ một cách chuyên nghiệp,” bà Hà nói.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, CEO một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho rằng Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc có thể đưa ra chính sách tip nhưng là khuyến khích các đơn vị lữ hành thông báo với khách sau mỗi chuyến đi, nếu khách hài lòng thì nên tip cho đội ngũ phục vụ với số tiền như đề xuất thay vì “đè” khách ra thu luôn từ đầu.
“Thu tiền tip luôn từ đầu thì hướng dẫn viên không cần phải chăm chỉ hay nhiệt tình, chuyên tâm phục vụ khách nữa, vì đằng nào họ cũng cầm ‘đằng chuôi’ (tiền thưởng) rồi,” vị này nói.
Mặc dù đây là quy định của riêng Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc và chỉ áp dụng với thành viên trong hiệp hội, thế nhưng mọi “nhất cử nhất động” của “đầu tàu” này lại có sức ảnh hưởng rất lớn tới bộ mặt du lịch Việt Nam cũng như hoạt động du lịch cả nước.
Chính vì thế, muốn đi đường dài và bền sức “con tàu” du lịch cần hài hòa lợi ích của cả khách du lịch và những người làm nghề.

Du lịch Việt cần mang đến những trải nghiệm khó quên cho khách du lịch trên mỗi hành trình. Ảnh: M.Mai/Vietnam+
Du lịch Việt cần mang đến những trải nghiệm khó quên cho khách du lịch trên mỗi hành trình. Ảnh: M.Mai/Vietnam+
Theo M.Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.