Kết nối Đà Nẵng với Cù Lao Chàm, Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc mở tuyến đường thủy từ Đà Nẵng đi Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) mang lại kỳ vọng lớn về du lịch, đồng thời nâng tính kết nối giữa các điểm đến ở 3 địa phương này
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT mở tuyến vận tải khách đường thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, bổ sung 2 tuyến vận tải khách bằng đường thủy nội địa từ Đà Nẵng đến đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) và đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Nếu được triển khai trên thực tế thì trong tương lai gần, 3 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi sẽ có một sản phẩm du lịch biển đảo hấp dẫn, du khách có thêm lựa chọn để trải nghiệm khi đến miền Trung.
Cơ hội mới
Thực tế, trong những năm qua, để du khách từ các nơi đến được Lý Sơn là không hề dễ dàng.
Nếu du khách không có phương tiện cá nhân, từ Đà Nẵng muốn ra Lý Sơn phải di chuyển trên các phương tiện ôtô, tàu hỏa vào TP Quảng Ngãi, rồi từ TP Quảng Ngãi tiếp tục thuê xe di chuyển đến cảng Sa Kỳ (hơn 20 km) mới có thể mua vé lên tàu cao tốc ra Lý Sơn. Đó là chưa kể tình trạng thường xuyên quá tải lượng du khách trong các dịp lễ, Tết khiến nhiều người chờ đợi hàng giờ; tình trạng nhếch nhác khu vực xung quanh bến cảng; cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp của các nhân viên, chủ tàu… khó làm du khách vừa lòng.
"Tôi thấy việc vận chuyển du khách từ đất liền ra Lý Sơn hiện tại ở cảng Sa Kỳ rất bất cập, mang tính cục bộ địa phương. Đơn cử, đa phần các tàu cao tốc ở cảng Sa Kỳ đều vận chuyển chung giữa khách du lịch, hàng hóa, hải sản các loại. Có tình trạng chủ tàu cố tình kéo dài thời gian xuất bến khiến nhiều người trễ giờ. Nếu những bất cập này không thay đổi thì sẽ khó níu chân du khách quay lại" - ông Nguyễn Mỹ, một du khách đến từ Đà Nẵng, phàn nàn.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh đã có văn bản thống nhất về việc mở tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, theo đề xuất của Bộ GTVT. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn thực sự cần thiết bởi hiện tại, du lịch liên kết vùng, miền không thể cục bộ địa phương, gây khó cho việc kết nối. Du khách đi từ Đà Nẵng đến Lý Sơn bằng đường thủy góp phần tăng thu nhập cho người dân trên đảo.
"Lý Sơn còn có ý nghĩa rất lớn về vấn đề chủ quyền biển đảo, càng nhiều du khách đến càng tốt. Đây là việc làm cần thiết, bởi vừa có thêm hoạt động thu hút du khách vừa đóng góp nhiều hơn cho ngân sách chung" - ông Đặng Văn Minh phân tích.
Về phía các doanh nghiệp du lịch, thông tin mở 2 tuyến đường thủy này cũng đem lại nhiều kỳ vọng về các sản phẩm du lịch mới. Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, hiệp hội rất ủng hộ mở 2 tuyến vận tải đường thủy này, vì sẽ kết nối Lý Sơn, Cù Lao Chàm với Đà Nẵng và khai thác tốt các tiềm năng của 3 địa phương, đồng thời kết nối với điểm đến tập trung nhiều du khách là Đà Nẵng.

Cảnh quá tải thường thấy khi du khách đến đảo Lý Sơn. Ảnh: TỬ TRỰC
Cảnh quá tải thường thấy khi du khách đến đảo Lý Sơn. Ảnh: TỬ TRỰC
Cần tính toán kỹ
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng Lê Thành Hưng cho rằng việc mở thêm 2 tuyến vận tải thủy sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn về phương tiện di chuyển, giúp thu hút du khách từ TP Đà Nẵng đi du lịch ở 2 đảo trên và ngược lại.
Ông Hưng cho hay Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về đề xuất này. Về phía TP Đà Nẵng, nếu Bộ GTVT đồng ý thì Sở GTVT mới lên kế hoạch chi tiết về bến bãi nhằm khai thác tốt nhất các tuyến vận tải thủy mới.
Ông Cao Trí Dũng lưu ý việc mở 2 tuyến đường thủy này cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Đầu tiên là phải xem xét phương tiện sử dụng khi khai thác, phải phù hợp với đoạn đường xa khoảng 70 hải lý từ Đà Nẵng đi Lý Sơn. Đồng thời, phải tính toán đến thời tiết, thời gian ảnh hưởng khả năng khai thác…
Liên quan đến đề xuất của TP Đà Nẵng, tại cuộc họp bàn phục hồi du lịch TP Hội An chiều 15-3, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An - cho hay thông tin trên có gây một số lo ngại đối với các đơn vị kinh doanh vận chuyển khách ra vào Cù Lao Chàm. Bởi lẽ, vừa qua, họ phải đầu tư rất nhiều tiền để chuyển đổi phương tiện bảo đảm đúng quy định và tính an toàn theo yêu cầu của chính quyền. Trong khi đó, người dân địa phương tỏ ý kiến đồng thuận vì khách du lịch đến mang lại lợi ích cho cộng đồng. Theo ông Lanh, tuyến đường thủy kết nối Đà Nẵng - Cù Lao Chàm - Lý Sơn phù hợp với xu hướng hiện nay nhưng cần tính toán, cân nhắc kỹ về mô hình, cách thức tổ chức... 
Không "ngăn sông cấm chợ"
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay tới thời điểm này, tỉnh chưa nhận được đề xuất chính thức, mới chỉ nắm thông tin qua báo chí. Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là không "ngăn sông cấm chợ" nhưng phải xem xét kỹ lưỡng vì Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, không như những nơi khác có thể đưa đến bao nhiêu khách cũng được. Lâu nay, Quảng Nam khống chế lượng khách đến Cù Lao Chàm và đang tính tới việc nâng giá vé, nâng chất lượng, tiếp tục khống chế hơn nữa lượng khách ra đảo để bảo đảm giữ môi trường, sinh thái.
"Cù Lao Chàm sẽ hướng tới việc khai thác dòng khách cao cấp, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Điều này chắc chắn không làm ảnh hưởng đến nguồn thu, không ảnh hưởng đến cộng đồng trong khi có thể bảo đảm được tính bền vững, giữ được môi trường, sinh thái" - ông Tân bày tỏ.
TỬ TRỰC - BÍCH VÂN - TRẦN THƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

(GLO)- Một ngày giữa tháng Tư, tôi có chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh. Như tín hiệu của vũ trụ, có điều gì đó thôi thúc tôi phải về với nơi mà 50 năm về trước, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui của ngày đại thắng, thống nhất non sông.