(GLO)- Không ngờ lại gặp Tân ở đây. Anh đang là Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Kdang (huyện Đak Đoa). Mừng vì lâu ngày gặp lại nhưng phấn khởi hơn vì Tân với vai trò “đứng mũi chịu sào”, Kdang đang chuyển mình mạnh mẽ và chuẩn bị đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2015.
Ảnh: Trần Dung |
Không nói nhiều, Trần Quốc Tân đưa tôi vào làng Tleo. Nắng dần chan hòa trên những vườn cà phê, tiêu sum suê quả chín. Một tốp người hì hục làm đường bê tông nông thôn. Đoạn đường hoàn thành rộng 3 mét phẳng phiu, uốn lượn rồi mất hút vào các cườn cà phê trĩu quả. Rữi-Trưởng thôn Tleo chỉ đạo và cùng mọi người thi công, cho biết: Thôn huy động mỗi gia đình một người tham gia để làm 1,6 km và đến giờ này đã làm được hơn 300 mét. Ngoài khoản hỗ trợ 115 tấn xi măng và 100 triệu đồng của Nhà nước, dân làng đóng góp ngày công và 1,6 triệu đồng/hộ để mua thêm cát, đá làm đường. Tiến độ chậm vì năm nay mưa nhiều và dày. “Nhưng làng quyết tâm làm cho xong đảm bảo cho xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới”-Rữi tin tưởng.
Vòng quanh làng Tleo, ấn tượng đối với tôi là làng có 100% người Bahnar này phát triển đáng nể. 130 hộ với 780 nhân khẩu từ lâu đã biết trồng cà phê, tiêu, lúa nước, nhiều gia đình có thu nhập ổn định, nhiều người trở nên giàu có. Ở đây không có hộ đói, chỉ còn 7 hộ nghèo do già yếu, neo đơn, thiếu sức lao động. Phần đông các hộ thu nhập 50-70 triệu đồng/năm trở lên. Đây cũng là làng không còn nhà tranh tre tạm bợ mà tất cả đều là nhà xây, có hàng rào, chuồng trại chăn thả gia súc, có sân xi măng phơi nông sản…
Không chỉ có làng Tleo, lúc ở trụ sở UBND xã, Trưởng thôn Cầu Vàng Đặng Ngọc Dũng cũng cung cấp nhiều thông tin thú vị. Cầu Vàng hầu hết bà con là người Kinh sinh sống, biết làm ăn phát triển kinh tế, đói nghèo chẳng phải nghĩ đến. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Thôn có 30-50% gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Tiêu, cà phê có giá trị kinh tế cao, cho nguồn thu nhập ổn định. Cầu Vàng là thôn đi đầu trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới khi các tiêu chí đã gần như hoàn thành, tiêu chí giao thông đạt 98%.
Chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống thể hiện kết quả ở một cuộc vận động quan trọng, hơn ai hết, người “đứng mũi chịu sào” như Bí thư Tân dĩ nhiên là rất mừng. Anh cho biết sau khi được công nhận xã nông thôn mới, trung tâm hành chính xã sẽ di dời vào bên trong, cách địa điểm hiện nay chừng 500 mét. Nơi này đã được quy hoạch 2,4 ha với đầy đủ các hạng mục, công trình, trong đó có nhà văn hóa xã. Anh tiếp tục đưa tôi thực tế công trình này khi đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhà văn hóa xã xây dựng khang trang, đầu tư 1 tỷ đồng. Bất ngờ khi đây là công trình được thực hiện từ nguồn vốn kết dư của xã tiết kiệm được trong nhiều năm!
Các mặt đời sống của Kdang ổn định và phát triển góp phần minh chứng Nghị quyết của Đảng bộ xã đi vào cuộc sống. Lợi thế vùng và từng ngành được chú trọng khai thác. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra… Kết quả đạt được đồng thời đúc kết nên những bài học kinh nghiệm quý báu. Theo Tân, riêng với chương trình xây dựng nông thôn mới, trước tiên là sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua hưởng ứng là điều kiện tiên quyết của các thắng lợi. Bên cạnh đó, phải kể đến việc mở rộng và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Thành công kế tiếp là tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện các chương trình, kế hoạch. Khi có vốn thì nhanh chóng triển khai công việc, giải ngân nhanh cho cơ sở khi xác định được khối lượng. Làm tốt công tác vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình cũng là một thành công nổi bật. Như trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, cán bộ, công nhân Nông trường Cao su Kdang (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) và Lữ đoàn 237 đã đóng góp hàng trăm ngày công giúp dân làm đường, di dời chuồng trại gia súc, gia cầm,…
Thất Sơn