Hải Giang chuyển mình…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, nay diện mạo nông thôn xã Hải Giang đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ qua từng năm. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, đời sống kinh tế người dân ngày càng khấm khá, nhà cửa khang trang, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm…
 

 Ông Sinh đang chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Quang Tấn
Ông Sinh đang chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: Quang Tấn

Là một trong những người con của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tiên phong đặt chân đến mảnh đất Hải Giang, huyện Đak Đoa, ông Phạm Minh Đông-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Giang cho biết: “Năm 1986 hưởng ứng theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước tôi cùng gia đình và nhiều người dân về đây xây dựng kinh tế mới. Cuộc sống những năm đầu nơi vùng đất mới được bao vây bởi núi rừng âm u vô cùng khó khăn, đường sá đi lại thì khó khăn, tình trạng đói rét, bệnh tật (nhất là bệnh sốt rét) thường xuyên xảy ra. Sản xuất mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ với các loại cây trồng chủ yếu như lúa rẫy, mì, bắp, khoai lang… có giá trị kinh tế thấp. Mặt khác, do chưa am hiểu với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên tình trạng mất mùa luôn hiện diện nơi đây”.

Khó khăn là thế nhưng với đức tính cần cù, ham học hỏi, chịu khó vươn lên của những người nông dân đến từ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã dần bước qua khó khăn, đói nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Bước ngoặt trong hành trình biến vùng đất Hải Giang hoang sơ thành vùng đất màu mỡ, đầy nhựa sống như hôm nay chính là việc người dân nơi đây đã mạnh dạn đưa cây cà phê vào trồng những năm 1994-1995, rồi cây hồ tiêu-loại cây có giá trị kinh tế cao cũng được người dân mạnh dạn đưa vào trồng năm 2004. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, người dân còn được sự giúp sức, hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện đã góp phần tăng mạnh hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Ông Nguyễn Hồng Sinh (ở thôn 3)-một điển hình trong lao động, sản xuất cũng như chịu khó vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình. Đi lên từ việc canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp như lúa, khoai lang, mì… bây giờ cơ ngơi của gia đình ông Sinh là niềm mơ ước của không ít người, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu... Sở hữu khoảng 4.000 trụ tiêu, hơn 1,3 ha cà phê, thu nhập hàng năm của gia đình ông Sinh sau khi trừ chi phí đầu tư đạt khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.

“Cuộc sống gia đình những ngày mới vào đây rất gian khổ, nhận các loại cây trồng như lúa, mì không đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi đã tìm hiểu kỹ thổ nhưỡng nơi đây cũng như tìm hiểu qua nhiều nơi, năm 1998 tôi đã mạnh dạn đưa cây cà phê vào trồng thử nghiệm, rồi đưa cây hồ tiêu vào sản xuất. Bây giờ cuộc sống của gia đình tôi đã trở nên khấm khá, nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn”-ông Sinh phấn khởi khoe.

Tương tự, hộ gia đình ông Lê Văn Bang, Nguyễn Ngọc Hùng (thôn 1), ông Phạm Văn Dịu, Nguyễn Văn Dương (thôn 2)… nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cũng như chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc vườn tiêu, cà phê nên thu nhập hàng năm đều khá cao, đạt trên dưới 1 tỷ đồng.

Hải Giang bây giờ đã hình thành những vùng chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu, cao su, bời lời… có giá trị kinh tế cao, đời sống kinh tế người dân từ đó cũng tăng lên từng ngày. Ông Cao Văn Đông-Chủ tịch UBND xã Hải Giang cho biết: Cà phê và hồ tiêu là hai loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao của xã trong những năm qua. Hiện toàn xã có hơn 768 ha cà phê (kinh doanh khoảng 630 ha), trên 205 ha hồ tiêu (kinh doanh trên 70 ha). Nhờ đó, đời sống kinh tế người dân trên địa bàn xã đã có những bước chuyển biến rõ rệt qua từng năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10,5 triệu đồng năm 2010 đến cuối năm 2014 là 24,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, cuối năm 2014 chỉ còn hơn 10% và ước hết năm 2015 thì tỷ lệ này là 8,09%, giảm 15,7% so với năm 2010.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.