Hướng dẫn viên du lịch là những "đại sứ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước khi tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP. Hồ Chí Minh, ThS. Mã Xuân Vinh là một hướng dẫn viên (HDV) du lịch kỳ cựu, đa tài, có những dự báo khá nhạy bén về triển vọng phát triển thị trường, sản phẩm du lịch. Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với người làm hướng dẫn lâu năm này nhân khóa cập nhật kiến thức cho đội ngũ HDV du lịch của tỉnh do ông đứng lớp.
Thạc sĩ Mã Xuân Vinh. Ảnh: Minh Châu
Thạc sĩ Mã Xuân Vinh. Ảnh: Minh Châu
*P.V: Theo ông, hạn chế lớn nhất của đội ngũ HDV du lịch địa phương hiện nay là gì?
- Thạc sĩ Mã Xuân Vinh: Đó là họ ít tiếp cận với những chuyên gia đầu ngành về du lịch. Tham gia đào tạo đội ngũ HDV của Gia Lai, tôi nhận ra có người lớn tuổi, làm nghề lâu năm nhưng cũng còn bỡ ngỡ khi tiếp cận với các thông tin mới cần được cập nhật. Nhưng họ có kỹ năng nghề nghiệp tốt nên khi được truyền đạt là nắm bắt được ngay và ứng dụng vào công việc rất nhanh.
Còn đối với các HDV trẻ, cái thiếu lớn nhất là kỹ năng truyền tải thông tin. Như đội ngũ HDV người bản địa, trong các làng du lịch cộng đồng, họ hiểu biết về các giá trị văn hóa, có tri thức bản địa nhưng lấy cái chính yếu để truyền tải cho du khách thì họ chưa xác định được. Cái khó nhất của họ là phải hiểu được du khách muốn gì để đáp ứng. Nếu họ làm được điều này sẽ trở thành những người hướng dẫn rất tốt. Ở họ có thần thái, có sự chân chất, mộc mạc, có tố chất, chỉ cần rèn giũa thêm kỹ năng, dẫn nhiều đoàn, va chạm nhiều hơn với khách… thì chắc chắn sẽ hướng dẫn tốt. 
Hiện nhiều bạn trẻ cũng chưa hiểu lắm về nghề HDV. Nếu họ hiểu và có thu nhập tốt từ nghề này, họ sẽ theo đuổi một cách nghiêm túc.   
*P.V: Theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi của một HDV du lịch?
- Thạc sĩ Mã Xuân Vinh: Đó chính là thái độ, điều này rất quan trọng. Từ thái độ sẽ nâng cao được trình độ. Thái độ còn thể hiện được cái tâm của mình trong nghề. Thái độ của người hướng dẫn tốt, khách sẽ cảm nhận được ngay. Khách bây giờ rất tinh tế, họ cảm nhận được rất rõ câu từ truyền đạt, ánh mắt, biểu cảm của người hướng dẫn…
Khi đời sống kinh tế và trình độ dân trí càng cao thì yêu cầu nghiệp vụ hướng dẫn càng phải nâng lên để đáp ứng nhu cầu của du khách. Cho nên, thái độ chính là yếu tốt cốt lõi, quan trọng dẫn đến thành công của một HDV. Đội ngũ này còn được xem là đại sứ cho một vùng đất, quốc gia, dân tộc, nếu thái độ không tốt sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của con người, vùng đất mà họ đại diện.
Đội ngũ HDV trong chuyến thực tế tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Châu
Đội ngũ HDV trong chuyến thực tế tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Châu
* P.V: Theo ông, triển vọng của du lịch Gia Lai trong tương lai là gì?
- Thạc sĩ Mã Xuân Vinh: Dịch Covid-19 tác động mạnh tới ngành du lịch nhưng cũng là cơ hội mới. Nếu trong vòng 5-10 năm tới, Gia Lai không chuyển mình, không thay đổi cơ cấu thì sẽ mất đi cơ hội. Lý do, Đà Lạt hiện nay là một trong những nơi có thị trường khách lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Nhưng hiện Đà Lạt đã quá tải, hiệu ứng nhà kính đã khiến thành phố sương mù không còn giữ được khí hậu mát lạnh quanh năm nữa. Nhu cầu du khách đang cần một sản phẩm thay thế.
Trong khi đó, Phố núi Pleiku hầu như mát mẻ quanh năm. Điều kiện tự nhiên của Gia Lai có thể nói rất thuận lợi, có bề dày lịch sử-văn hóa, sở hữu nhiều di sản văn hóa-tự nhiên… Vấn đề là tỉnh phải quy hoạch sao cho hợp lý, dễ quản lý, trong đó, ngành du lịch cần quan tâm đến sự liên kết vùng. Du khách đến đây rồi sẽ đi đâu nữa và để kéo dài thời gian lưu trú, cần có những sản phẩm, dịch vụ gì cho du khách trải nghiệm... 
*P.V: Với ưu thế đó, đối tượng khách nào sẽ quan tâm đến du lịch vùng cao nguyên, thưa ông?
- Thạc sĩ Mã Xuân Vinh: Như tôi nói ở trên, TP. Hồ Chí Minh sẽ là thị trường tiềm năng cần được ưu tiên hàng đầu đẩy mạnh khai thác. Song song đó là thị trường ở khu vực phía Bắc. Hiện nay, 2 nơi này vẫn là thị trường tự phát khá nhiều. Một thị trường tiềm năng nữa là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Để thu hút mạnh mẽ được những thị trường này cần đẩy mạnh công tác quảng bá để du khách tiếp cận các thông tin về điểm đến, cho họ thấy đến Gia Lai có gì để trải nghiệm, có sản phẩm nào hấp dẫn để lựa chọn và so sánh với các điểm đến khác. Du lịch Gia Lai cũng cần gắn kết với các trung tâm gần kề như Phú Yên, Bình Định để tạo sự đa dạng hóa sản phẩm, để du khách có nhiều lựa chọn.
Ngành du lịch cũng cần mời thêm các chuyên gia du lịch về trải nghiệm một số tour sẵn có, những sản phẩm mà địa phương đang hướng đến trong chiến lược phát triển. Bằng con mắt chuyên gia, họ sẽ có những đóng góp, xây dựng tích cực để du lịch phát triển nhanh và đúng xu thế hơn.
*P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
MINH CHÂU (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.