(GLO)- Những ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm về với những “nghệ sĩ nghiệp dư” đã và đang viết lời về quê hương Gia Lai trên những làn điệu chèo. Xuân này, tròn 6 năm những chiếu chèo cùng với âm thanh ngọt ngào của nó đã ngân vang biết bao ca từ sâu lắng về miền quê mới Gia Lai.
“Giữ hồn” nghệ thuật chèo
Những “nghệ sĩ nghiệp dư” đưa nghệ thuật chèo vào đời sống tinh thần của người Gia Lai. Ảnh: Trần Dung |
Chúng tôi có mặt ở nhà ông Chu Văn Thống (thôn 2, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê)-một trong những người đầu tiên mang hình ảnh, con người Gia Lai vào những làn điệu chèo-để được thưởng thức và tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống của đất Bắc. Những “nghệ sĩ” chèo ở huyện Chư Sê hầu hết là người quê Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phú, Hưng Yên… vào Gia Lai lập nghiệp. Với họ, chèo đã ăn sâu vào máu thịt.
Trên làn điệu chinh phụ, ngâm sổng, lời bài hát “Gia Lai nhớ Bác” được cất lên nhẹ nhàng, bay bổng: “ Về í i đây, xây dựng í a Gia Lai phố núi tươi đẹp. Chúng í i con mong Bác về Pleiku, vùng đất đang mở rộng không ngừng...”. Ngoài lời hát có nội dung nhất định, có nhiều nguyên âm như: a, i, ư, ơ, ô được xuất hiện sau câu hát, được nhấn đi nhấn lại, luyến lên, vuốt xuống, ngắt, nẩy sinh động, tạo nên nét độc đáo riêng, mang đậm tính trữ tình trong nghệ thuật chèo. “Có thể nói, âm nhạc là yếu tố rất quan trọng trong việc biểu hiện nội dung của nghệ thuật chèo truyền thống. Bởi thế, những sáng tác mới của chúng tôi đều dựa trên “điệu thức năm âm” gắn với giá trị văn hóa của địa phương nơi mình sinh sống”-ông Thống cho biết. Bên cạnh các làn điệu chèo cổ, ông cùng những người yêu nghệ thuật đã cải biên, sáng tác lời mới cho các làn điệu chèo. Nhiều vở chèo phản ánh thực tế đời sống địa phương, có sức giáo dục nhân văn sâu sắc cũng như mang nặng tâm tư tình cảm của mình về miền đất cao nguyên.
Hầu hết hội viên của các câu lạc bộ chèo tại Chư Sê sau khi được truyền dạy và tập luyện đã có chất giọng khá chuẩn, cách lấy hơi, nhả chữ, luyến láy, có hồn. Không chỉ có hội viên hát chèo mà các tay trống, tay sáo, tay đàn cũng rất điêu luyện với tiếng trống rộn ràng, ngắt nhịp, đổi giọng dứt khoát; tiếng đàn dìu dặt, thiết tha và tiếng sáo ngân nga, bay bổng… Ông Lê Huỳnh Hiệp chia sẻ: “Để giữ được “cái hồn” của chèo, trước hết mình phải toàn tâm toàn ý. Để viết được lời hay, sát với từng làn điệu, người viết phải hiểu và yêu mảnh đất cũng như con người nơi này”.
Hát về quê hương thứ hai
Những ca từ về quê hương Gia Lai được ngân lên trên những làn điệu chèo. Ảnh: Trần Dung |
Xuất hiện từ năm 2009, đến nay, đã có hơn 15 bài viết về Gia Lai trên làn điệu chèo với các chủ đề: ca ngợi Đảng, ca ngợi vùng đất, người tốt việc tốt, kinh tế- xã hội Gia Lai… Điển hình như: “Gia Lai nhớ Bác” (sáng tác: Thanh Loan), “Mùa Xuân là Tết trồng cây” (sáng tác: Chu Văn Thống), “Chư Sê thân yêu” (sáng tác: Chu Văn Thống), “Nghĩa tình Chư Sê” (sáng tác: Văn Thân)…
Người đầu tiên đưa lời mới về Gia Lai vào điệu chèo là bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Bà là người quê gốc Hải Dương. Hồi nhỏ, hàng đêm bà được cha cõng đi xem chèo ở đầu làng. Từ đó, chèo trở thành niềm đam mê của bà. Tới năm 1994, bà cùng gia đình vào Chư Sê lập nghiệp. Ngọn lửa nghệ thuật chèo vẫn âm ỉ trong bà. Năm 2009, sau một thời gian ấp ủ, bà quyết định viết về quê hương thứ hai của mình trên làn điệu chèo quen thuộc. Bà Loan tâm sự: “Chèo là loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm tính dân tộc ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bởi vậy, ban đầu tôi rất dè dặt khi viết về Gia Lai trên những ca từ hoàn toàn mới. Nhưng rồi bằng những gì mình cảm nhận được, tôi đã viết “Gia Lai nhớ Bác”, để lưu giữ lại những điệu chèo quê hương bản quán cho chính bản thân mình và cho con cháu, cũng là để thể hiện tình cảm của những người con miền Bắc như chúng tôi đối với quê hương Gia Lai-nơi chúng tôi gắn bó phần đời còn lại của mình”.
Dàn nhạc công của đoàn chèo. Ảnh: Trần Dung |
Để chèo đến gần hơn với người dân Tây Nguyên, nhất là thế hệ trẻ thì những “nghệ sĩ nghiệp dư” đã không ngừng tìm tòi và viết lời mới cho những làn điệu chèo cổ; sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo đặc sắc, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống lao động thường nhật, mang đậm tính nhân văn mà vẫn không kém phần hài hước, hóm hỉnh, lạc quan, yêu đời. Đồng thời cũng phê phán các tệ nạn xã hội, các hủ tục như: tảo hôn, nghiện hút, cờ bạc, mê tín dị đoan,…
“Tây Nguyên hùng vĩ í i ý chí kiên cường/Toàn dân đoàn kết í i bảo vệ quê hương/Các dân tộc Tây í Nguyên như gang thép đã được luyện í rèn…”. Những âm điệu thiết tha, trầm ấm của vở chèo “Tây Nguyên đón Bác” đang được các “nghệ sĩ” luyến láy, mài dũa để xuân này có thể biểu diễn cho bà con nhân dân cùng thưởng thức, cảm nhận. Hiện nay, chèo đang dần lan tỏa rộng khắp và mang hơi hưởng của vùng đất cao nguyên bazan hùng vĩ.
Trần Dung