(GLO)- Nhờ được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT
Từ dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung tâm Y tế huyện Chư Sê được hỗ trợ 9 tỷ đồng để xây dựng Khu cấp cứu, Cận lâm sàng và Khoa Khám bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm còn được đầu tư 36 danh mục trang-thiết bị y tế trị giá hàng chục tỷ đồng nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.
Đầu năm 2020, các công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, giúp người dân thuận lợi hơn khi đến khám-chữa bệnh. Bà Nguyễn Thị Thanh (tổ 2, thị trấn Chư Sê) phấn khởi nói: “Trước đây, Khoa Khám bệnh của Trung tâm xuống cấp vì xây dựng đã lâu. Hiện nay, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang đã tạo tâm lý thoải mái cho người dân khi đến khám-chữa bệnh”. Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho hay: “Trước đây, số lượt bệnh nhân đến thăm khám tại Trung tâm chỉ 500-600 lượt người/ngày thì nay đã tăng lên thành 600-700 lượt bệnh nhân. Riêng vào thứ hai hàng tuần có khoảng 800 lượt người đến khám. Khoa bố trí 11 buồng khám, 100% buồng khám có bác sĩ nên người dân không phải chờ đợi lâu”.
Bác sĩ Rcom Lanh (Trạm Y tế xã Hbông, huyện Chư Sê) thăm khám cho người dân. Ảnh: N.N |
Thời gian qua, nhiều Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ kinh phí từ các dự án để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; riêng Trung tâm Y tế huyện Chư Pah được đầu tư xây dựng mới. Cùng với đó, hệ thống trạm y tế xã cũng được quan tâm đầu tư. Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế-cho biết: “Dự kiến trong năm 2020, Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế do EU viện trợ sẽ triển khai xây mới 8 trạm y tế xã gồm: Ia Glai (huyện Chư Sê), Chư Drăng (huyện Krông Pa), Nam Yang, Kon Gang (huyện Đak Đoa), Tân Sơn (TP. Pleiku), Đê Ar (huyện Mang Yang), Hà Tây (huyện Chư Pah) và Ia Yeng (huyện Phú Thiện). Kinh phí xây dựng mỗi trạm y tế xã là 3 tỷ đồng, kinh phí đầu tư trang-thiết bị 500 triệu đồng/trạm. Ngoài ra, chương trình còn viện trợ triển khai 1 đơn nguyên sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro với kinh phí 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn ODA và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng ADB cũng sẽ triển khai xây dựng mới 18 trạm y tế xã tại các huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Pah, Krông Pa, Phú Thiện, Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai”.
TĂNG CƯỜNG BÁC SĨ VỀ TUYẾN XÃ
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, việc tăng cường nhân lực cho tuyến xã cũng được ngành Y tế chú trọng. Hiện số bác sĩ làm việc cố định tại tuyến xã là 176 người. Bác sĩ Lê Hữu Thạnh-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Tô (huyện Ia Grai) chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, đơn vị thăm khám khoảng trên 300 lượt bệnh nhân. “Trạm đã được trang bị máy siêu âm, điện tim, máy đo huyết áp… đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Thuốc chữa bệnh cũng được cung cấp thường xuyên, không xảy ra vấn đề thiếu thuốc. Ngoài ra, tại 16 thôn, làng trong xã đều có nhân viên y tế phối hợp tốt trong việc tuyên truyền người dân phòng-chống dịch bệnh”-bác sĩ Thạnh cho biết.
Qua hơn 4 năm công tác tại Trạm Y tế xã Hbông (huyện Chư Sê), bác sĩ Rcom Lanh cho biết: “Nhiều người dân khi ốm đau là đến thăm khám ngay. Tuy nhiên cũng có người để bệnh ủ lâu dẫn đến tiến triển nặng. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên xuống làng thăm khám và vận động người dân có bệnh thì đi khám sớm, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, nhắc nhở cho trẻ tiêm chủng đầy đủ… Qua đó, số người đến khám bệnh tại trạm đã tăng lên, trung bình mỗi tháng có khoảng 400 người dân đến khám-chữa bệnh”.
NHƯ NGUYỆN