Hậu giãn cách: Du lịch số hóa 'lộ trình thông hành' sẵn sàng đón khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia cho rằng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, để phục hồi nền kinh tế xanh, Việt Nam cần sớm áp dụng cơ chế thẻ thông hành xanh để vực dậy ngành kinh tế đang trong cơn bĩ cực.

Hành khách tham gia thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass. Ảnh: CTV/Vietnam+
Hành khách tham gia thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass. Ảnh: CTV/Vietnam+
Việt Nam đang trên lộ trình dần “hé cửa” bầu trời khi gần đây nhất, vào chiều 4/9, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đón chuyến bay quốc tế đầu tiên, thí điểm chương trình cách ly y tế bảy ngày của Bộ Y tế.
Đây cũng được coi là tiền đề cho ngành du lịch triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị trong việc thí điểm đón khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang) thời gian tới.
Vậy thực tế, ngành du lịch đã và đang chuẩn bị lộ trình thông hành đến đâu cho “ngày vui” trở lại?
“Dọn đường” đón khách ngoại
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã bắt đầu cho phép công dân dùng “hộ chiếu vaccine” (chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19) để du lịch và sử dụng cho các hoạt động khác trong nước.
Các chuyên gia tin rằng chứng nhận này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển nội địa và quốc tế trong tương lai. Bởi việc kết nối lại các hoạt động đi lại, giao thương trên toàn cầu đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Hiện có một số nước, tổ chức đã thử nghiệm, áp dụng những công cụ chứng nhận được số hóa với các tên gọi khác nhau. Đơn cử như Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã phát triển công cụ chứng nhận sức khỏe điện tử có tên Thẻ thông hành số (Digital Travel Pass), sử dụng trong lĩnh vực hàng không. Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 nhằm tạo thuận lợi đi lại trong khối.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Common Project đã phát triển Thẻ thông hành chung (Common Pass). Tập đoàn IBM đã phát triển và đưa vào áp dụng Thẻ thông hành y tế số (Digital Health Pass)...
Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 theo tiêu chuẩn châu Âu, tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn, nhằm sẵn sàng đón và phục vụ khách ngoại khi hoạt động du lịch quốc tế được mở trở lại.

Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Ảnh chụp màn hình
Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Ảnh chụp màn hình
Chứng nhận này được các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế hỗ trợ, đáp ứng đủ quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế.
Hệ thống chứng nhận đã được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, giúp quản lý quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế từ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, lúc nhập cảnh vào Việt Nam, trong quá trình đi lại, du lịch đến khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Đặc biệt, việc tích hợp còn giúp người dùng tiếp cận và tận dụng hệ sinh thái các tiện ích thông minh trên ứng dụng như tìm kiếm điểm đến an toàn, cập nhật thông tin dịch bệnh địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ, quản lý tour, khám phá điểm đến...
Từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong phiên họp Thường kỳ Chính phủ ngày 6/9 vừa qua, Thủ tưởng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo về việc thí điểm “mở cửa” đón khách quốc tế tới Phú Quốc (từ nay tới hết năm khoảng 2-3 triệu khách).
Lãnh đạo ngành du lịch cho biết đang tích cực xây dựng và hoàn thiện kế hoạch để trình Chính phủ. Ngày mai (9/9), Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về kế hoạch đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.
Clip giới thiệu ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn:
Theo đó, mô hình đón khách quốc tế sẽ thí điểm từng bước về thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn điểm đến, sản phẩm phù hợp và những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đủ năng lực cũng như đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch mới “được chọn.”
“Tấm vé” thông hành cho nội địa
Thông tin từ Tổng cục Du lịch, số lượng khách nội địa 8 tháng qua đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 16,1 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu ước đạt 136.520 tỷ đồng (giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Trước thực tế “lao dốc không phanh” của du lịch nội địa, trong lúc các hãng hàng không chờ được công nhận hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên lộ trình nối lại đường bay quốc tế, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và tiêm chủng vaccine COVID-19 cho kết quả tốt, nên sớm áp dụng trong nước cơ chế thông hành như thẻ thông hành xanh nhằm từng bước khôi phục du lịch.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Vietnamplus, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính cho hay nhóm nghiên cứu của TAB cũng đã đề xuất lên các cấp quản lý ngành chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam.
Theo ông Chính, giải pháp này hiệu quả không chỉ với du lịch mà còn có thể tháo “nút thắt” cho nhiều ngành khác, từ thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ, thể thao, văn hóa… để dần phục hồi các hoạt động kinh tế nước nhà.

Hành khách xuất trình hộ chiếu, kết quả xét nghiệm COVID-19 trên ứng dụng điện tử. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Hành khách xuất trình hộ chiếu, kết quả xét nghiệm COVID-19 trên ứng dụng điện tử. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Điều đáng nói, ở nhiều quốc gia trong liên minh EU, Philippines... luật về thẻ thông hành xanh hoặc gần như vậy còn được quốc hội thông qua nhằm ưu tiên giải quyết tính pháp lý. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm đó.
Ông Chính cho rằng ngành du lịch nên kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước cho một bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm.
Thực tế hiện đang có ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đây chính là cơ sở giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát khách nội địa khi họ di chuyển.
Tuy nhiên, để đồng bộ dữ liệu và thuận tiện cho quản lý, theo chuyên gia của Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế và các bộ, ngành cần chuẩn bị hạ tầng, công nghệ, đồng bộ cơ sở dữ liệu, hợp nhất Cổng tiêm chủng quốc gia và các nền tảng ứng dụng, để người dân đi đâu chỉ cần có mã QR.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực chuyển đổi số, cố gắng cầm cự, dù đôi chân của các doanh nghiệp, những người làm nghề như đứng trên bàn chông nhưng họ vẫn mong sớm được “bước đi” trở lại. Họ đang ngóng chờ một “cú hích thông hành” đảm bảo đủ an toàn để có thể tái khởi động guồng máy trong bối cảnh mới.
Mai Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.