Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các khu điểm du lịch đều không tổ chức các sự kiện, hoạt động dịp Tết âm lịch hoặc giảm quy mô tổ chức để hạn chế tụ tập đông người.

Du khách tham quan và trải nghiệm không khí Tết Việt xưa qua các trò chơi dân gian ở Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Du khách tham quan và trải nghiệm không khí Tết Việt xưa qua các trò chơi dân gian ở Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 ngày Tết Nguyên đán, từ ngày 10/2 đến 16/2 (tức từ ngày 29/12 năm Canh Tý đến ngày 5/1 năm Tân Sửu), Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách, đạt gần 50% lượng khách cùng kỳ năm 2020. Số khách trên chủ yếu là khách nội địa.
Một số khu điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội tập trung thu hút khách như: Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đón khoảng 18.500 lượt khách, đạt 40% so với năm trước; Vườn thú Hà Nội đón khoảng 12.300 lượt khách, đạt khoảng 86%; Hoàng thành Thăng Long đón khoảng 15.000 lượt khách, đạt 50%; Vườn quốc gia Ba Vì đón khoảng 1.200 lượt khách, đạt 90%; Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 1.700 lượt khách, đạt 55% so với cùng kỳ năm trước...
Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các khu điểm du lịch đều không tổ chức các sự kiện, hoạt động dịp Tết âm lịch hoặc giảm quy mô tổ chức theo kế hoạch nhằm hạn chế tụ tập đông người.
Trong quá trình đón tiếp khách, các điểm đến đã thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ban tổ chức, các cá nhân kinh doanh dịch vụ đều đeo khẩu trang; khách đến tham quan phải thực hiện xếp hàng nhằm giãn cách, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào tham quan, chiêm bái.
Một số điểm đến như Phủ Tây Hồ đã liên tục tạm dừng đón khách do lượng người đổ về chiêm bái quá đông. Tuy vậy, từ 0h ngày 16/2, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các điểm du lịch trên địa bàn đã thực hiện đóng cửa, không đón khách.
Trong thời gian này, nhiều khách sạn 3-5 sao đã xây dựng chương trình kích cầu bằng việc giảm giá phòng ngủ, giá dịch vụ với nhiều combo hấp dẫn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại trước kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021 khiến nhu cầu đi du lịch, công tác, hội nghị của khách giảm mạnh.
Hàng loạt tour, vé máy bay, khách sạn, nhà hàng được khách hàng đặt trước đó đã phải hủy, làm ngành du lịch càng thêm khó khăn, trong đó có lĩnh vực lưu trú du lịch. Mức giá phòng dịp Tết âm lịch cũng vì thế giảm khá mạnh.
Tổng hợp báo cáo của 15/18 khách sạn được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung cho khách nhập cảnh, trong 6 ngày từ ngày 10-16/2, công suất bình quân ước đạt 35,5%; số khách đang cách ly tại 15/18 khách sạn là 654 khách.
Mặc dù lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm song Sở Du lịch Hà Nội vẫn tiến hành kiểm tra tại một số điểm đến du lịch tập trung đông người trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo môi trường du lịch văn minh, an toàn, trong đó, tập trung vào Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn, khu vực Nhà hát lớn, Công viên Thống Nhất, Chùa Trấn Quốc và khu vực xung quanh Hồ Tây...
Tại thời điểm kiểm tra, các điểm đến thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh. Các hàng quán dịch vụ được sắp xếp ngăn nắp, niêm yết giá đầy đủ; việc trông giữ xe ôtô, xe máy, xe đạp được bố trí tại khu vực riêng, giảm thiểu tối đa việc gây cản trở giao thông, không có hiện tượng trông giữ xe trái phép, tự phát, ép giá; không xuất hiện hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch.
Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.