Gỡ bỏ 283 tài khoản Facebook, 24 kênh YouTube tung tin kích động chống phá nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 8.2020, Bộ TT-TT đã gỡ 283 tài khoản facebook giả mạo cá nhân, tổ chức chuyên tung tin kích động chống phá nhà nước Việt Nam; gỡ hơn 1.800 bài viết, 154 fanpage đăng tin sai sự thật...
 
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trong dịp giải trình trước Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái ẢNH GIA HÂN
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trong dịp giải trình trước Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái ẢNH GIA HÂN
Tỷ lệ thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng trung bình 10 - 15%/tháng
Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri Hà Nam cho biết, thời gian qua, Bộ Công an, Bộ TT-TT đã tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo trên không gian này. Gần đây xuất hiện các vụ vu khống, bịa đặt các khoản nợ trên mạng xã hội mà người dân không đi vay và đe dọa sẽ đăng tải thông tin cá nhân, hình ảnh của nạn nhân và gia đình lên mạng xã hội với nội dung “cảnh giác lừa đảo - trốn nợ, chiếm đoạt tài sản ở nhiều nơi”…
Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ TT-TT, Bộ Công an kịp thời phát hiện, xử lý thông tin sai lệch, điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng tung tin sai sự thật, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Trả lời kiến nghị này, Bộ TT-TT cho biết, để xử lý nghiêm minh các trường hợp tung tin giả, vu khống, bịa đặt, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020 bổ sung cụ thể, chi tiết hóa nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng, tăng hình thức và các mức xử phạt (mức phạt tăng từ 10% - 20% so với quy định trước đây), áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật; đã có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả bị cơ quan chức năng xử lý, trong đó đã xử phạt 22 trường hợp với tổng số tiền 222,5 triệu đồng.
Hiện nay, Bộ TT-TT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in.
Bên cạnh thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm, Bộ TT-TT còn tiến hành các biện pháp mạnh về mặt kỹ thuật, như thường xuyên nâng cấp, cải tiến hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng đã xây dựng; sử dụng hệ thống để theo dõi sát các thông tin có chiều hướng lan tỏa mạnh trên không gian mạng.
Các thông tin vi phạm luôn được kịp thời phát hiện và nhanh chóng xử lý, ngăn chặn từ nguồn phát tán, luôn bảo đảm tỷ lệ thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng dưới 20% (trung bình hàng tháng vào khoảng 10% - 15%); tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam dưới 10% (trung bình hàng tháng vào khoảng 8% - 9%).
Khoảng gần 3.000 trang web/blog trong danh sách xử lý thường xuyên của các nhà mạng
Số lượng các trang web/blog vi phạm trong danh sách xử lý thường xuyên của các nhà mạng là khoảng gần 3.000 trang.
Thời gian gần đây, đơn vị chức năng của Bộ TT-TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 900 trang mạng phát tán hình ảnh, video văn hóa đồi trụy, các trò chơi trực tuyến (game online) có tính chất tiêu cực đối với thế hệ trẻ, bao gồm: hơn 100 các trang mạng đăng tải phim lậu; gần 200 các trang trò chơi trực tuyến không phép; gần 300 các trang game bài, cờ bạc và khoảng 300 các trang web khiêu dâm.
Ngoài ra, Bộ TT-TT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan triển khai, kết hợp nhiều giải pháp nhằm đấu tranh quyết liệt với các nền tảng xuyên biên giới.
Kết quả từ đầu năm 2018 đến hết tháng 8.2020, đã gỡ 283 tài khoản Facebook giả mạo cá nhân, tổ chức chuyên tung tin kích động chống phá nhà nước Việt Nam; gỡ hơn 1.800 bài viết (trong đó, 8 tháng năm nay đã gỡ gần 1.100 bài viết), 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống pháp Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.
Đã gỡ 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng.
Trong thời gian có dịch Covid-19, Facebook đã thực hiện đúng cam kết, triển khai gỡ bỏ 100% tin giả, tài khoản giả mạo Bộ Y tế để đưa tin giả về liên quan đến Covid-19; nâng tỷ lệ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Đối với Google, cụ thể là trên YouTube, Bộ đã ngăn chặn và gỡ bỏ 15.115 video vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh YouTube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước (mỗi kênh có khoảng 1.000 video).
Đối với AppStore, đã phối hợp để yêu cầu các nhà phát hành các ứng dụng trên AppStore phải xin phép theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. AppStore đã gỡ 27/60 game không phép, game có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ TT-TT.
Theo thống kê, thông tin về tin giả (Fake news) trong thời gian gần đây đã trở nên phổ biến hơn. Bình quân mỗi tháng có gần 12.000 thông tin đề cập tới tin giả, tạo ra xấp xỉ 20 triệu lượt xem, chủ yếu trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube.
Trong thời gian tới, Bộ TT-TT cho biết đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013 và Nghị định số 27/2018 nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo Vũ Hân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm