Gian khó hôm qua, thành quả hôm nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
25 năm, đó là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử của một vùng đất, nhưng với Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah (trước đây là Công ty Cao su Chư Pah) là cả một quá trình phấn đấu đầy cam go và thử thách để từng bước củng cố vị thế và trưởng thành như ngày hôm nay.

Tiền thân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah là Nông trường Cao su Ninh Đức, được thành lập năm 1976, với nhiệm vụ chính là xây dựng vùng kinh tế mới, phủ xanh đất trống đồi trọc và hình thành thế trận quốc phòng- an ninh ở một vùng biên giới phía Tây Bắc của tỉnh.

Những ngày đầu gian khó

Trong những ngày đầu mới thành lập, Nông trường đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn chồng chất do hậu quả của chiến tranh để lại, hệ thống giao thông lúc đó chủ yếu là đường mòn, thu nhập chính của người dân là làm nương rẫy, trồng trọt theo phương thức chủ yếu là phát, đốt, chọc, trỉa; sản xuất mang tính tự cung tự cấp, đời sống của người dân hết sức khó khăn. Để có những mảnh đất đầu tiên ươm giống trồng cây, cán bộ và công nhân viên Nông trường lúc bấy giờ vừa phải tháo gỡ bom mìn, cải tạo vùng đất bạc màu, vừa phải xây dựng lực lượng tự vệ tại chỗ để chiến đấu, truy quét bọn phản động FULRO.
Sự kiện đau lòng nhất là vào ngày 5-7-1980, FULRO đã tấn công và giết 7 người, bắn bị thương 21 người và phá hoại toàn bộ tài sản của Đội 6; nhiều cán bộ, công nhân cũng đã hy sinh, thương tật vì bệnh tật, bom mìn để cho màu xanh của các loại cây trồng, chủ lực là cây cao su, bám sâu vào đất và phát triển cho đến ngày hôm nay. Những thế hệ cán bộ đầu tiên đi xây dựng Nông trường đã để lại tên tuổi của mình như một dấu son trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Công ty.

Tổng Giám đốc Lê Đức Tánh trao cờ và phần thưởng cho Nông trường Ia Nhin. Ảnh: Đ.Y
Tổng Giám đốc Lê Đức Tánh trao cờ và phần thưởng cho Nông trường Ia Nhin. Ảnh: Đ.Y
Đến năm 1985, theo yêu cầu quản lý chuyên ngành cao su, Chính phủ đồng ý cho phép tỉnh Gia Lai-Kon Tum bàn giao Nông trường Cao su Ninh Đức về cho Tổng cục Cao su Việt Nam quản lý (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Trên cơ sở tiếp nhận thêm Nông trường Cao su Diên Phú (thị xã Pleiku), Hòa Phú và Ia Dêr (Chư Pah cũ), Tổng cục Cao su Việt Nam quyết định thành lập Công ty Cao su Chư Pah với tổng diện tích cao su lúc bấy giờ là 1.234 ha. Đây là thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Nhờ sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn từ những năm cuối của thập kỷ 80 (thế kỷ trước), Công ty đã cơ bản thực hiện xong việc chuyển đổi cơ chế, sắp xếp lại doanh nghiệp, phát triển sản xuất, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.


Gầy dựng và phát triển

Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2000 đến 2010 là thời kỳ Công ty có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện và bền vững trên mọi lĩnh vực nhờ mở rộng quy mô, tăng diện tích, tập trung đầu tư thâm canh, mở rộng ngành nghề phục vụ cho sản xuất chính (trồng, khai thác, chế biến cao su), tập trung đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề, mở rộng thị trường, đưa các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất… Hiện Công ty đang quản lý 8.122 ha, trong đó diện tích đang khai thác là 5.692,7 ha, tăng 4,5 lần so với năm 2000; sản lượng mủ cao su khai thác hàng năm khoảng 7.000 tấn quy khô. Tổng doanh thu của Công ty từ năm 2000 đến nay đạt trên 1.393 tỷ đồng, riêng năm 2010 ước đạt 427,464 tỷ đồng, tăng gần 37 lần so với năm 2000; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng 8,2 lần so với năm 2000. Hiện Công ty đã có nông trường đạt 1,8 tấn/ha và phấn đấu đến năm 2015 tất cả các nông trường đều đạt năng suất này; ngoài ra Công ty còn có 2 nhà máy chế biến công suất hàng năm trên 7.000 tấn mủ cao su khối cốm mang thương hiệu CHUPACO.

Từ năm 2000 đến 2010, Công ty đã được trao tặng nhiều phần thưởng: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì và hạng ba; Huân chương Chiến công hạng nhì và hạng ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công an, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, Công ty tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Chủ tịch nước trao tặng.
Về tổ chức, Công ty hiện đang quản lý 6 Nông trường, 1 Công ty Chư Pah-K tại Campuchia, 1 Xí nghiệp Cơ điện- Chế biến, 1 Nhà máy Phân vi sinh, 1 đội sản xuất. Để mở rộng phạm vi hoạt động, kinh doanh, Công ty cũng đầu tư vào 5 đơn vị liên doanh, liên kết gồm: Công ty cổ phần Sản xuất Hoàng Anh- Quang Minh, Công ty cổ phần Công nghiệp và Dịch vụ Cao su Chư Pah, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su, Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu cao su, Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy. Bên cạnh đó, Công ty còn có đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý được đào tạo cơ bản về chuyên môn, chính trị, trong đó 4 người có trình độ trên đại học, 87 người có trình độ đại học và cao đẳng, 105 người có trình độ trung cấp.


Tại huyện Ia Grai, Công ty cũng đã thành lập một nông trường, tổ chức một đội sản xuất để hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp; sau 7 năm triển khai, với nhiệm vụ phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới đặc biệt quan trọng này, đội sản xuất của Công ty đã giúp đồng bào ổn định cuộc sống, góp phần phát triển văn hóa- xã hội, tạo những chốt chặn quan trọng làm thất bại mọi âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Với phương châm phát triển cao su đến đâu, tuyển dụng người địa phương ở đó vào làm công nhân, đến nay trong số  2.992 công nhân nông nghiệp của toàn Công ty thì có đến 2.360 công nhân là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ gần 80%, đưa Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah trở thành doanh nghiệp có tỷ lệ công nhân là người dân tộc thiểu số cao nhất trong ngành và trên địa bàn tỉnh.
Để tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động là người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, Công ty còn tín chấp vay vốn cho các hộ nông dân trồng các loại cây công nghiệp khác như: Cà phê, tiêu, bời lời cũng như các loại hoa màu (mì, dong riềng…). Đến nay, công nhân trong toàn Công ty đã trồng được 1.960 ha cà phê, 700 ha bời lời, 400 ha tiêu và hàng trăm ha hoa màu các loại. Thực hiện thành công mô hình kinh tế tổng hợp, Công ty đã hồi sinh lại vùng đất bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình và hàng ngàn lao động. Ngoài ra, Công ty còn làm tốt công tác xã hội, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường liên thôn, liên xã, nhà rông văn hóa, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết trên địa bàn 12 xã kết nghĩa trong chương trình xóa đói giảm nghèo…

TS. Lê Đức Tánh

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.