Giảm giá, miễn visa để cứu ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng cục Du lịch ước tính con số thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam trong 3 tháng tới lên đến 7,7 tỉ USD - nếu không có các giải pháp quyết liệt thu hút khách
Sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV) được nhận định sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam. Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lê Quang Tùng chiều 6-2 đã chủ trì hội nghị bàn cách ứng phó với dịch nCoV với sự tham dự của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia, doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp điêu đứng
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - cho hay tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch rất phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch là hàng chục ngàn tỉ đồng.
Khu Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám mở cửa đón khách tham quan trở lại
Khu Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám mở cửa đón khách tham quan trở lại
Các doanh nghiệp du lịch đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Dịch bệnh theo dự báo sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Tại Hà Nội, lượng khách hủy phòng tính đến ngày 4-2 lên tới hơn 13.000 phòng, tương đương hơn 1,6 vạn khách; các hoạt động vận chuyển giảm 30%-50%.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thông báo khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 30%-40%, còn công suất lưu trú khách sạn chỉ đạt khoảng 30%. Quảng Ninh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi thường ngày có khoảng 12.000 khách tham quan vịnh Hạ Long, nay còn 3.000, dự kiến tiếp tục giảm trong những ngày tới.
Trước đây, trung bình mỗi tháng tỉnh Vĩnh Phúc đón khoảng 500.000 lượt khách, tập trung chủ yếu tại Tây Thiên, Tam Đảo và khách sạn Flamingo Đại Lải. Theo ước tính của ông Nguyễn Xuân Nhâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc, dịch bệnh đang khiến lượng khách giảm đến 40%, hơn 100 khách sạn và hàng trăm nhà nghỉ trong tỉnh thiệt hại nặng.
Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai, cho biết việc ngừng các tour du lịch đã khiến 15.000 người lao động trực tiếp trong ngành tạm thời thất nghiệp. Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ước tính con số thiệt hại trong 3 tháng tới lên đến 7,7 tỉ USD. Ông Chung cho rằng dịch bệnh dự báo sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 và sớm nhất đầu quý IV/2020, du lịch mới trở lại bình thường.
Kích cầu, miễn visa
Tại hội nghị ngày 6-2, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đưa ra các giải pháp cấp bách như khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại.
Ông Ngô Hoài Chung cho biết sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch. Trong khi đó, Thứ trưởng Lê Quang Tùng thông tin sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. "Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ miễn lệ phí visa đối với du khách trong 6 tháng hoặc từ nay đến cuối năm để thu hút khách ở những thị trường cấp visa" - ông Tùng nói.
Khi thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh, ngành du lịch dự kiến mở rộng thị trường có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ. Tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada, nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ.
Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch cũng đề xuất UBND các tỉnh, thành xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1-2 tháng để kích cầu du lịch sau khi dịch nCoV được kiểm soát. 
Các khu di tích mở cửa trở lại
Văn phòng Chính phủ ngày 6-2 đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch nCoV gây ra, trong đó khẳng định các khu di tích, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Chiều cùng ngày, Bộ VH-TT-DL cũng đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong ngày 6-2, các di tích, danh thắng của Hà Nội đã mở cửa hoạt động trở lại. Còn tại TP HCM, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết đến nay, các điểm tham quan, du lịch di tích lịch sử vẫn mở cửa đón khách bình thường, đồng thời triển khai các giải pháp phòng chống virus corona. Các công ty du lịch vẫn có thể tổ chức dẫn khách đi tham quan và trang bị khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho du khách...
Ông Lê Hữu Luận (nghệ sĩ Hữu Luân), phụ trách Nhà hát TP HCM, cho biết hiện nhà hát là nơi tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật quan trọng cho các tour tham quan TP của khách quốc tế. Nếu ngưng thì gần như khách du lịch tới TP, nhất là khách quốc tế, sẽ không có nơi nào để xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Du lịch TP cho rằng nếu từng nơi bảo đảm được yếu tố an toàn về dịch bệnh như không mở máy lạnh mà mở cửa sổ, cửa chính cho thoáng khí, tăng thêm quạt, để du khách đeo khẩu trang... thì vẫn có thể tiếp tục phục vụ du khách.
L.Anh - T.Phương
Bài và ảnh: Yến Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.