Người trồng tiêu hiệu chưa muốn bán ra do giá đang tăng với tốt độ nhanh.
Nỗi lo về nguồn cung, nhất là sau khi Việt Nam- một trong những nước cung cấp hồ tiêu chính cho thị trường thế giới, dự kiến sẽ giảm khoảng 30% khối lượng hồ tiêu xuất khẩu đã khiến thị trường hạt tiêu thế giới lẫn nội địa biến động mạnh trong mấy tuần qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đưa ra nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là vì thời tiết bất lợi, mặc dù năm qua diện tích trồng tiêu của cả nước tăng nhanh ngoài kế hoạch nhờ giá cao. Con số sản lượng ước giảm 30-40% do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khảo sát tại các vùng trồng tiêu trọng điểm hồi cuối năm 2011 đã khiến các nhà xuất khẩu thực sự lo lắng.
Trong tuần qua, tuy mới được đưa lên giao dịch tại sàn SMX (Singapore) nhưng giá tiêu đen chỉ 1 tuần đã tăng 250 USD, tức 4,15 %, lên mức 6.301 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 3 và tăng tới 354 USD, tức 5,57 %, lên mức 6.354 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 4, mức tăng rất mạnh.
Ngày 25-2, giá tiêu đen xô tại thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu đứng quanh mức 126.000-127.000 đồng/kg. Các thịtrường nội địa khác cũng có mức tăng rất nóng không kém, như Đak Lak-Đak Nông tăng 7.000 đồng, lên 122.000 đồng/kg, Gia Lai tăng 8.000 đồng, lên 124.000đồng/kg.
Theo số liệu báo cáo của ngành Hải Quan, nửa đầu tháng 2-2012 xuất khẩu đạt 3.301 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 22,3 triệu USD, tăng 216,19% về lượng và 354,33% về giá so với nửa đầu tháng 2/2011. Bình quân giá xuất khẩu đạt 6.740 USD/tấn.
Nhiều thương lái cho biết, mức tăng của giá tiêu đầu vụ so với năm trước như vậy là rất nhanh nhưng việc thu gom hàng hiện nay cũng khó khăn hơn vì người trồng tiêu không muốn bán ra. Điều này cũng dễ hiểu vì giá tiêu năm trước đạt đỉnh xấp xỉ 160.000 đồng/kg khiến cho những nhà vườn bán sớm vẫn còn nuối tiếc.
Trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ, trong tuần qua, giá tiêu kỳ hạn tháng 3 tăng tổng cộng 1.265 Rupi, tức 4,24 %, lên 31.080 Rupi/tạ, tươngđương 6.310 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 1.370 Rupi, tức 4,55 %, lên 31.465 Rupi/tạ, tương đương 6.388 USD/tấn, mức tăng mạnh hơn. Riêng giá hạt tiêu giao ngay chỉ tăng 842 Rupi, tức 2,73 %, lên 31.664 Rupi/tạ, tương đương 6.429 USD/tấn.
Giá hạt tiêu xuất khẩu của tất cả các nước cũng tăng cao. Tiêu Ấn Độ loại đặc chủng MG1 đi châu Âu giá 6.700 USD/tấn và đi Mỹ giá 7.000 USD/tấn (C&F), tăng 250 USD. Tiêu Brazil loại B1 được chào mua 6.700 USD/tấn và loại B2 thấp hơn 100 USD/tấn, tăng 350 USD. Tiêu đen Việt Nam loại 500 Gr/l-FAQ được chào giá 6.300 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ chào giá 6.600 USD/tấn, (FOB), tăng 300-350 USD.
Tuy nhiên, theo các nhà xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thì giá tiêu Ấn Độ đang được đẩy lên cao do nguyên nhân chính là năm nay sản lượng tiêu Ấn Độ tiếp tục giảm mạnh, cần có lực hút để kéo hàng về.
Được biết năm ngoái, Ấn Độ là một trong Top5 thị trường lớn nhập khẩu hạt tiêu Việt Nam, với khối lượng 6.696 tấn tiêu các loại và giá trị kim ngạch 36,3 triệu USD. ẤnĐộ chủ yếu nhập loại hạt tiêu giá thấp về để chế biến tái xuất và bổ sung cho tiêu thụ nội địa.
Dự kiến sắp tới giá tiêu trong nước vẫn duy trì ở mức cao.
Theo TTXVN