(GLO)- Nhiều phụ huynh than vãn là sợ nhất mấy tháng hè, đi làm tối ngày không có thời gian để chăm lũ nhỏ, đặc biệt các cháu Mẫu giáo và Tiểu học. Nhiều học sinh Trung học cũng vậy, nếu để các em chơi tự do một thời gian dài, thiếu người quản lý, nhắc nhở sẽ dễ bị lôi kéo vào các thói hư, tật xấu, chưa kể rủ bạn bè leo trèo, tắm sông suối dẫn đến tai nạn khó lường.
Bởi vậy, đa phần các bậc cha mẹ phải chọn giải pháp tối ưu là gửi con đến các nhóm trẻ, trường Mẫu giáo tư thục (có dạy trong hè) và các lớp dạy thêm, chấp nhận một khoản phí tương đối cao. Do vậy, nhu cầu giữ trẻ, học thêm trong hè là một thực tế khá phổ biến.
Ảnh minh họa |
Đối với một số nền giáo dục tiên tiến, việc chuẩn bị cho học sinh vui chơi, học tập trong những kỳ nghỉ kéo dài được tính toán và có kế hoạch khá chu đáo. Theo đó, các cơ sở giáo dục hay sân chơi, bãi tập dành riêng cho thiếu nhi trong dịp này cũng được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của các em. Ở nước ta, đa phần các trường học không có cơ sở vật chất dành riêng cho giáo dục kỹ năng và năng khiếu nên trong kỳ nghỉ hè thường đóng cửa im ỉm, dẫn đến việc các em phải tìm đến các cơ sở bên ngoài nhà trường. Tuy nhiên, những sân chơi, bãi tập phần lớn được xây dựng ở các đô thị phát triển, còn vùng nông thôn thì hầu như vắng bóng. Vì thế, mỗi năm đến hè thì xuất hiện nhiều nhóm trẻ, các cơ sở giữ trẻ và dạy thêm tự phát khá nhiều vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục.
Nếu xác định đây là một nhu cầu đích thực mà Nhà nước chưa đủ sức “gánh vác” và cũng không thể ngăn cấm các hoạt động của giới trẻ trong kỳ nghỉ thì thiết nghĩ, rất cần có cơ chế quản lý mềm để thu hút các nhà đầu tư, các nhà giáo tham gia vào các lĩnh vực giáo dục trong hè. Hiện nay, có hai hoạt động giáo dục đang thu hút giới trẻ (từ Tiểu học đến Trung học) trong dịp này và được phụ huynh quan tâm là gửi các em vào các lớp rèn luyện kỹ năng như học kỳ quân đội, khóa huấn luyện “Học làm người có ích” hay các lớp sinh hoạt do nhà chùa hướng dẫn. Ở các lớp rèn luyện này, trẻ em được tiếp thu một số kỹ năng như tự chăm sóc bản thân, tự kiềm chế cảm xúc, mạnh dạn trong giao tiếp… Tuy nhiên, do điều kiện nên không phải học sinh nào cũng thích và được tham gia các lớp học đặc biệt này. Phổ biến nhất là phụ huynh thường gửi các em đến lớp học thêm. Ở đây, các em được ôn tập các kiến thức của lớp cũ và học trước chương trình của lớp trên. Ngoài ra, nhiều em còn học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ hoặc ở các lớp dạy thêm. Bên cạnh đó, một số phụ huynh có điều kiện thì cho con em mình học thêm các môn năng khiếu như: nhạc, họa, bơi lội, võ thuật…
Với hoạt động giáo dục trong hè, các nhà giáo dục thường cảnh báo không được dạy trước chương trình mà chỉ nên ôn tập và dạy nâng cao, rèn luyện các kỹ năng tư duy logic, khám phá các tri thức mới, tập cho học sinh yêu khoa học và biết phản biện. Vì thế, chúng tôi cho rằng, phụ huynh và giáo viên không nên cố chấp vì sợ các em rong chơi bên ngoài sẽ dần quên kiến thức mà bắt buộc các em ngồi trong các lớp học thêm hết môn này đến môn khác theo kiểu lấp đầy thời gian, dẫn đến việc làm thui chột các kỹ năng cần thiết của trẻ. Sự dung hòa thời gian giữa học tập và vui chơi trong hè là cần thiết. Tốt nhất là nên cho các em đi tham quan danh lam thắng cảnh; đến các bảo tàng và thư viện; tổ chức các hình thức vui chơi tập thể; đặc biệt là tập cho các em đọc sách có hướng dẫn và chọn lọc.
Bùi Quang Vinh