(GLO)- Những ngày này, các tổ chức, cá nhân ở Gia Lai vẫn tiếp tục vận động quyên góp hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. Bằng tấm lòng từ tâm và cách làm sáng tạo, họ đã cho thấy sự ấm áp của nghĩa đồng bào.
“Có mặt cho nhau”
Đó là tên nhóm thiện nguyện vừa thành lập ngày 13-10 nhưng đến nay đã thu hút gần 600 thành viên trong cả nước tham gia. Anh Huỳnh Quang Vũ-chủ quán cà phê Kupplei (đường Hùng Vương, TP. Pleiku), người điều phối các hoạt động chung của nhóm-chia sẻ: “Đầu tiên, chúng tôi chỉ làm nội bộ, nhưng sau đó, trước tình hình cấp bách của bão lũ miền Trung, chúng tôi quyết định chuyển thành nhóm công khai. Đến nay, nhóm đã huy động trên 1 tỷ đồng và nhiều hiện vật như: 11.000 chiếc bánh chưng, bánh tét, 9.000 chiếc áo ấm đi mưa…”.
Đặc biệt, trước tình trạng nhiều nơi thiếu phương tiện cứu hộ nên không thể tiếp cận với người dân để cứu trợ, nhóm đã vận động tài trợ để mua 3 chiếc xuồng cứu sinh, 11 động cơ chạy ghe, đồng thời mua thêm 7 máy phát điện hỗ trợ một số vùng.
Chị Đặng Thị Trúc Giang (TP. Hồ Chí Minh), thành viên của nhóm, người tài trợ 3 chiếc xuồng cứu sinh cho biết: “Ba chiếc xuồng có giá 47 triệu đồng, được phân phối 2 chiếc ở Quảng Bình, 1 chiếc ở Quảng Trị. Ngoài ra, tôi cũng hỗ trợ thêm cho nhóm 1.000 lít dung dịch vệ sinh da, áo ấm cùng nhiều loại thuốc men. Theo tôi, anh Vũ đã thực hiện rất tốt vai trò kết nối”.
|
Một trong 3 chiếc xuồng cứu sinh của nhóm "Có mặt cho nhau" tham gia cứu trợ đồng bão lũ lụt các tỉnh miền Trung (ảnh nhân vật cung cấp). |
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Vũ cho hay: Nhóm “Có mặt cho nhau” có 3 nhóm nhỏ trực tiếp tham gia cứu trợ ở các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Sau khi tiếp nhận thông tin, nhóm nhanh chóng xác minh và phân công thành viên đến hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều trường hợp đã vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo. Đơn cử, mới đây, 1 gia đình ở Quảng Bình mất cả 2 con do lật xuồng trong lúc đi tránh lũ, nhóm đã đến thăm hỏi, động viên và trao số tiền 10 triệu đồng.
Ngoài hỗ trợ trực tiếp, “Có mặt cho nhau” còn kết nối các nhóm từ thiện, trao đổi thông tin để nhóm gần nhất nhanh chóng đến với người dân khu vực cần giúp đỡ. Trước lời kêu gọi kết nối để cùng hoạt động hiệu quả hơn, một bạn có nick Facebook Nguyen Luan đồng tình: “Nếu các đoàn kết nối với nhau được để biết tình hình của từng thôn, từng xã ngoài đó thì tốt quá, vì hiện nay chỗ thừa chỗ thiếu, rất khó để biết chỗ nào đang thực sự cần”.
Với tinh thần đó, không chỉ nhóm chủ động kết nối mà nhiều nhóm khác cũng nhanh chóng liên lạc để phối hợp cùng nhau trong công tác thiện nguyện. Tới đây, nhóm chủ trương không cứu trợ bánh chưng, bánh tét mà là các loại thực phẩm thiết thực hơn, có thể bảo quản lâu và thanh lý lại sau lụt như: cơm cháy, ruốc, xúc xích, bánh tráng, rau củ đóng hộp…
Khi lũ bắt đầu rút dần, nhóm thực hiện cuộc vận động “1 triệu quyển vở cho em” nhằm giúp học sinh vùng lũ sớm quay trở lại trường lớp, chung tay tái thiết cuộc sống sau lũ. Chỉ sau 1 ngày kêu gọi, nhóm đã vận động được gần 41.500 quyển vở.
Chung tay vì miền Trung thân yêu
Cũng với tinh thần hướng về miền Trung, mới đây, bà Cao Thị Ban (62 tuổi, tổ 3, thị trấn Chư Prông) đã có một nghĩa cử khiến nhiều người cảm phục là dành số tiền tiết kiệm 24 triệu đồng gửi đến bà con vùng lũ.
Bà Nguyễn Thanh Hoa-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Prông-cho hay: Khi Hội Nông dân huyện phát động phong trào hội viên cùng chung tay giúp đỡ bà con miền Trung, bà Ban đã gọi điện đến Hội Nông dân thị trấn nêu nguyện vọng muốn đóng góp số tiền tiết kiệm nhiều năm qua.
“Vui lắm vì hội viên có tấm lòng cao đẹp như vậy. Hôm đó, Hội cũng mời đại diện chính quyền xuống chứng kiến việc này. Càng xúc động khi số tiền trên là tiền lẻ đủ mệnh giá. Chúng tôi đã đăng thông tin lên trang fanpage của Hội để toàn thể hội viên và bà con nông dân nêu cao tinh thần lá lành đùm lá rách”-bà Hoa khẳng định.
|
Chi hội Nông dân tổ 3, thị trấn Chư Prông tiếp nhận số tiền tiết kiệm của bà Cao Thị Ban (giữa) hỗ trợ người dân vùng lũ (ảnh nhân vật cung cấp). |
Trao đổi với P.V, bà Ban trải lòng: “Gia đình có 1 hòm tiết kiệm nho nhỏ phòng khi khó khăn. Vừa qua, tôi xem ti vi thấy đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt mà thương xót quá. Thương nhất là trẻ con. Mình không có ăn một bữa là đã không chịu nổi, đằng này… Vậy nên, tôi bàn với chồng ủng hộ tiền tiết kiệm làm công đức”. Trả lời câu hỏi vì sao chỉ là nông dân chân lấm tay bùn nhưng lại ủng hộ nhiều đến vậy, bà Ban khiêm tốn: “Với mình thì đây là số tiền lớn. Nhưng với xã hội thì không bao nhiêu. Sau này, mình lại dành dụm thì sẽ có thôi”.
Ông Dương Đình Diện-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh-cho biết: Hội vừa tiếp nhận món quà gửi đến bà con vùng lũ là 300 chiếc chăn ấm (trị giá 45 triệu đồng) của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài sự ủng hộ của cán bộ, viên chức cơ quan Hội Chữ thập đỏ, sáng 20-10, Hội cũng đã tiếp nhận 10 triệu đồng từ chị Phạm Thị Thương (91B Phùng Khắc Khoan, TP. Pleiku). Tiếp đó, sáng 22-10, bé Phan Văn Đại Điền-học sinh Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) cũng đã được ông nội chở đến cơ quan Hội để ủng hộ 500.000 đồng.
Về phía Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ông Lê Quốc Hùng-Chánh Văn phòng-thông tin: Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất với đề xuất của MTTQ trích nguồn Quỹ Cứu trợ của tỉnh 600 triệu đồng hỗ trợ 3 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình (mỗi tỉnh 200 triệu đồng). Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tiếp nhận hơn 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung từ các tổ chức, cá nhân.
“Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chưa báo số liệu tổng hợp số tiền và hiện vật các tổ chức, cá nhân ủng hộ nhưng tin rằng con số này sẽ tăng cao trong những ngày tới”-ông Hùng nói.
PHƯƠNG DUYÊN